Sự việc nam sinh viên (SV) bị đuổi khỏi lớp học online mới đây tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, hay nam sinh cãi tay đôi, thách thức thầy giáo tại Trường CĐ FPT cho thấy cần thiết phải có quy tắc hành xử văn minh trong môi trường học đường.

Nhìn "ngứa mắt" là đuổi 

Mới đây, N.A.T, SV Trường ĐH H.F tại TP HCM, kể lại tình huống ở năm thứ nhất, lúc đó T. bị đau bụng xin đi vệ sinh và được giảng viên tên D. đồng ý có sự chứng kiến của cả lớp; nhưng ít phút sau quay lại, cô D. đã khóa cửa trong không cho T. vào. "Em không biết chuyện gì nên nhắn tin hỏi bạn cùng lớp thì biết do cô bảo nhìn em ngứa mắt không cho vào. Sau khi biết nguyên nhân, em xuống văn phòng khoa góp ý thì cô không tiếp. Nhiều bạn trong lớp cũng kể lại thái độ tùy ý của cô D. trong giờ giảng. Nếu không vừa ý gì dù không đưa được ra lý do nhưng vẫn đuổi SV. Khi SV đánh giá GV cuối năm thì cô dọa sẽ truy ra được ai là người đánh giá mình không tốt" - T. cho biết.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dạy học ở bất kỳ môi trường nào, dù là trực tiếp hay trực tuyến cũng cần những ứng xử văn minh, phù hợp.

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, cho biết hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đang có tình trạng chỉ lo các vấn đề làm sao chuyển tải hết nội dung bài giảng trong một tiết học ngắn ngủi mà quên đi những yếu tố đường dài để có một lớp học online hiệu quả.

"Trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều gia đình, nhà trường khó khăn nên có thể đã quên đi các yêu cầu này ngay từ khi bắt đầu năm học mới. Cần phải xác định học online như là một giải pháp lâu dài để có cách tổ chức lớp, nội quy lớp học phù hợp. Nếu không quy định rõ, có thể xảy ra nhiều tình huống đáng tiếc trong ứng xử giữa thầy và trò" - ThS Thụy Anh nêu.

14-chot-1632570433177351358824.jpg

Học trực tuyến cần có cách thức tổ chức lớp học phù hợp. Ảnh: TRẦN MINH

Không thể thiếu kỹ năng dạy - học

ThS Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho rằng dù ở đâu, dạy học trực tuyến hay không thì thầy và trò cũng cần ứng xử văn minh.

Theo thầy Du, dạy học online rất vất vả và càng cần những kỹ năng dạy học, quản lý lớp học và quản lý cảm xúc. Dạy học online không thể nào thăng hoa như giảng dạy trực tiếp, giáo viên cũng như người nghệ sĩ biểu diễn không có khán giả. "Dạy online là dạy phải ít, chủ yếu HS tự học. Luôn đặt mình vào người đối diện sẽ có cách ứng xử phù hợp. Trò không nghe và mình không thể giảng lại do trong lớp còn nhiều HS thì có thể nói chúng ta trao đổi riêng để tránh làm phiền. Trò vào lớp trễ thì xin lỗi, cho em vào lớp. Cuộc sống đang có nhiều khó khăn, không nên chấp nhặt lời nói, theo kiểu bới lông tìm vết để hằn học nhau" - thầy Du nói.

Theo nhiều giáo viên, trong bối cảnh dịch bệnh, đằng sau mỗi chiếc camera ở lớp học trực tuyến và mỗi hoàn cảnh khác nhau, không ít những HS gặp tổn thương, mất mát; hơn ai hết, chính thầy, cô giáo là người sẽ động viên, chia sẻ với HS. Càng ở độ tuổi còn nhỏ, HS càng cần giáo viên trợ giúp, an ủi, ngoài học tập còn là vấn đề tâm lý. Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, thầy cô giáo khi giảng dạy nên đặt vấn đề tâm lý HS làm quan trọng; trong cư xử cũng cần nhẹ nhàng, thấu hiểu, không gây áp lực… 

Cần có nội quy rõ ràng

Theo cô Thụy Anh, nếu dạy học trực tiếp có nội quy thế nào thì khi chuyển sang môi trường trực tuyến cũng cần những nội quy tương đương phù hợp. Từ chuyện họp phụ huynh, thông báo nội quy trường, lớp, để HS học nội quy đến khi nào nhuần nhuyễn. Chẳng hạn, quy định lớp học online thì tất cả HS đều phải bật camera, HS có một ngày để phản hồi về quy định này, đồng ý hay không đồng ý và lý do vì sao? Nếu nhà trường, giáo viên chấp nhận thì cứ thế thực hiện; HS cũng vậy, đã chấp nhận ký tên vào nội quy có nghĩa là nếu làm khác thì HS đã vi phạm và tự chịu hình thức kỷ luật.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022