Tieu-hanh-tinh-set-4048-1632544449.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jpWW80g9xLS5VpgiOSNw0Q

Mình họa một tiểu hành tinh đang tiếp cận Trái Đất. Ảnh: PIXABAY

2021 SG, tiểu hành tinh rộng 42 - 94 m với đường kính trung bình tương đương sải cánh của máy bay Boeing 747, bay sượt qua Trái Đất hôm 17/9 (giờ Hà Nội), theo Trung tâm Tiểu hành tinh thuộc Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU). Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể thấy tiểu hành tinh này lao đến mà chỉ phát hiện ra vào ngày hôm sau. Nguyên nhân là nó bay tới từ "điểm mù" - hướng Mặt Trời.

Đa số tiểu hành tinh mà các nhà thiên văn phát hiện lao tới Trái Đất từ "phía trước", nghĩa là lao từ ngoài vào trong hệ Mặt Trời, tới gần Trái Đất và Mặt Trời ở trung tâm. Tuy nhiên, cũng có những tiểu hành tinh đến từ "đằng sau", nghĩa là lao từ phía Mặt Trời tới Trái Đất rồi hướng ra ngoài hệ.

Rất khó để nhìn thấy những thiên thể này đến gần hành tinh xanh, nhất là khi chúng thường tiếp cận vào ban ngày, khi tầm nhìn bị hạn chế do ánh sáng chói của Mặt Trời. Nhìn chung, thời gian tốt nhất để phát hiện chúng là lúc chạng vạng. Điều này cũng đúng với mọi thiên thể nằm trong vùng không gian giữa Trái Đất và Mặt Trời, ví dụ như sao Thủy và sao Kim.

2021 SG lao qua sát Trái Đất, chỉ bằng một nửa khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Nó ở gần hành tinh xanh nhất vào khoảng 3h28, bay qua phía trên Greenland và Canada. Đây là khoảng cách rất gần, vì đa số tiểu hành tinh bay ngang qua hành tinh xanh đều xa hơn nhiều.

Với kích thước lớn và vận tốc hơn 85.000 km/h, 2021 SG sẽ gây tác động mạnh nếu va chạm.

Trước đó một tiểu hành tinh nhỏ hơn từng để lại hậu quả nặng nề khi lao xuống Trái Đất ngày 15/2/2013. Tiểu hành tinh rộng 17 m phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga. Sóng xung kích từ vụ nổ làm vỡ cửa sổ ở 6 thành phố và khiến 1.500 người cần được chăm sóc y tế.

Các nhà thiên văn với kính viễn vọng và nhiều công nghệ tiên tiến có thể phát hiện, lập danh sách và theo dõi lượng lớn vật thể trong không gian, kể cả những mảnh nhỏ của vệ tinh cũ trên quỹ đạo. Nhưng hiện tại, họ chưa có phương pháp ưu việt nào để theo dõi những vật thể tiếp cận Trái Đất từ phía Mặt Trời.

Để cải thiện điều này, NASA đang chế tạo một kính viễn vọng không gian mới mang tên Near-Earth Object (NEO) Surveyor. Kính viễn vọng này dự kiến phóng vào năm 2026, bay trong vùng không gian giữa Trái Đất và Mặt Trời, giúp giới khoa học quan sát các thiên thể tốt hơn.

Thu Thảo (Theo Jerusalem Post)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022