truc-thang-set-8508-1732703223.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NuUjX_8McVGNKH1qyBfK2Q

Minh họa trực thăng Dragonfly bay trên bầu trời vệ tinh lớn nhất của sao Thổ, Titan. Ảnh: NASA/Johns Hopkins APL/Steve Gribben

Tên lửa hạng nặng Falcon Heavy từng phóng tàu thăm dò tiểu hành tinh Psyche của NASA và tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA lần lượt vào tháng 10/2023 và tháng 10/2024. Tháng 7/2028, nó sẽ tiếp tục đưa trực thăng Dragonfly của NASA tới mặt trăng Titan của sao Thổ, nghiên cứu tiềm năng hỗ trợ sự sống của thiên thể này.

Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, Dragonfly, trực thăng với kích thước tương đương ôtô, sẽ mất 6 năm để đến Titan, mặt trăng lớn thứ hai trong hệ Mặt Trời, chỉ sau mặt trăng Ganymede của sao Mộc.

Kích thước không phải điểm hấp dẫn duy nhất của Titan. Mặt trăng băng giá này có những biển và hồ hydrocarbon, là thiên thể duy nhất được biết đến ngoài Trái Đất có chất lỏng ổn định trên bề mặt. Ngoài ra, các hợp chất hữu cơ - khối xây dựng sự sống chứa carbon - cũng phổ biến tại đây.

Một số nhà khoa học cho rằng Titan có thể hỗ trợ sự sống - trên bề mặt hoặc dưới đại dương ngầm tiềm năng chứa nước lỏng. Dragonfly được thiết kế để tìm hiểu vấn đề đó và làm sáng tỏ thông tin về một thế giới còn nhiều bí ẩn. Trực thăng chạy bằng năng lượng hạt nhân này dự kiến hoạt động khoảng 2,5 năm trên bề mặt Titan, di chuyển từ nơi này đến nơi khác để quan sát kỹ nhiều cảnh quan khác nhau.

Dragonfly đã trải qua một số lần chậm trễ và tăng chi phí trong quá trình phát triển. Khi NASA lựa chọn nhiệm vụ này vào năm 2019, chi phí được giới hạn ở mức 1 tỷ USD và mục tiêu phóng là năm 2027. Nhưng hiện tại, chi phí lên tới 3,35 tỷ USD với thời điểm phóng dự kiến lùi đến năm 2028.

Đến nay, Falcon Heavy đã thực hiện 11 lần phóng. Với sức đẩy khoảng 2.300 tấn, Falcon Heavy là tên lửa mạnh thứ hai đang hoạt động, sau tên lửa mặt trăng Hệ thống Phóng Không gian (SLS) của NASA. Tuy nhiên, hệ thống tên lửa Starship của SpaceX sẽ giành danh hiệu này khi đi vào hoạt động.

Thu Thảo (Theo Space)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022