spacex-phong-thiet-bi-do-bo-mat-trang-cho-nhat-ban-uae-1670753012.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=09tVb32acuidUv_jQqq1tA
SpaceX phóng thiết bị đổ bộ Mặt Trăng cho Nhật Bản, UAE

Tên lửa của SpaceX phóng tàu đổ bộ Hakuto-R và robot Rashid lên Mặt Trăng. Video: SpaceX

Các thiết bị đặt trên đỉnh tên lửa Falcon 9 được phóng lên từ Trạm không quân Mũi Canaveral ở Florida, Mỹ vào lúc 2h38 sáng ngày 11/12 theo giờ địa phương, tức 14h38 cùng ngày giờ Hà Nội.

Khoảng hơn 8 phút sau khi phóng, tầng đẩy đầu tiên của Falcon 9 đã tách ra và hạ cánh có kiểm soát xuống Canaveral, trong khi tầng đẩy thứ 2 tiếp tục tăng độ cao để triển khai Hakuto-R cùng với tàu thăm dò mặt trăng nhỏ Flashlight của NASA sau lần lượt 47 và 53 phút kể từ lúc cất cánh.

spacex-phong-thiet-bi-do-bo-mat-trang-cho-nhat-ban-uae-1670753169.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wO2KcUrILUmCowjQk5aBfQ
SpaceX phóng thiết bị đổ bộ Mặt Trăng cho Nhật Bản, UAE

Tàu Hakuto-R mang theo robot tự hành Rashid được triển khai từ tầng 2 của tên lửa Falcon 9 sau 47 phút kể từ khi phóng. Video: SpaceX

Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu đổ bộ Hakuto-R do công ty ispace của Nhật Bản chế tạo sẽ mang theo robot tự hành Rashid của UAE đáp xuống miệng hố va chạm Atlas trên bề mặt Mặt Trăng vào tháng 4/2023.

"Đây là một thời điểm rất quan trọng. Nó mở ra cánh cửa cho ngành công nghiệp cislunar thương mại (cislunar là thuật ngữ chỉ khoảng không giữa Trái Đất và Mặt Trăng)", Takeshi Hakamada, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của ispace, nhấn mạnh.

Hakuto-R là nhiệm vụ không gian đầu tiên (Mission 1) của ispace. Nếu thành công, công ty tư nhân của Nhật Bản sẽ phóng thêm Mission 2 vào năm 2024 và Mission 3 vào năm 2025. Nhiệm vụ thứ ba sẽ là một phần của Chương trình Dịch vụ Tải trọng Mặt trăng Thương mại của NASA nhằm sử dụng tàu đổ bộ tư nhân để đưa thiết bị khoa học của cơ quan này lên Mặt Trăng.

spacex-mat-trang-6846-1670754103.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G23YW9Ur0TlH47DHDzKWUQ

Mô phỏng robot tự hành Rashid và tàu đổ bộ Hakuto-R trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: ispace

Sau năm 2025, ispace đặt mục tiêu thực hiện hai sứ mệnh lên bề mặt Mặt Trăng mỗi năm, cung cấp các chuyến đi cho nhiều loại trọng tải khác nhau.

"Tầm nhìn của chúng tôi là thiết lập một hệ sinh thái bền vững, khả thi về mặt kinh tế trong không gian cislunar", Hakamada nói.

Trong nhiệm vụ đầu tiên, tàu đổ bộ của ispace mang theo robot Rashid nặng 10 kg. Sau khi triển khai từ Hakuto-R, thiết bị tự hành này sẽ chụp ảnh bằng nhiều loại máy ảnh khác nhau để mô tả môi trường bề mặt đầy bí ẩn của Mặt Trăng. Nhiệm vụ của nó dự kiến kéo dài 14 ngày.

Trong khi đó, trọng tải phụ Flashlight của NASA - có kích thước bằng chiếc cặp sách - sẽ thực hiện một hành trình kéo dài ba tháng tới quỹ đạo Mặt Trăng với nhiệm vụ săn lùng băng nước trong các miệng hố va chạm bị che khuất ở gần cực nam của thiên thể, nơi NASA có kế hoạch xây dựng một căn cứ lâu dài cho chương trình Artemis.

Đoàn Dương (Theo Space)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022