
Siêu máy tính PACE Hive Gateway ở Viện công nghệ Georgia. Ảnh: Georgia Tech
Theo Interesting Engineering, Viện công nghệ Georgia (Georgia Tech) và đối tác nhận được 20 triệu USD từ Quỹ Khoa học Quốc gia để chế tạo Nexus, một trong những siêu máy tính nhanh nhất toàn quốc, nhằm thúc đẩy khám phá khoa học bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Khi hoàn thành vào mùa xuân 2026, Nexus có thể thực hiện 400 triệu tỷ phép tính/giây, tương đương mọi người trên thế giới liên tục thực hiện 50 triệu phép tính/giây.
Được thiết kế đặc biệt với AI và khối lượng công việc tính toán hiệu suất cao (HPC), hệ thống này sẽ giúp giải quyết thách thức từ lĩnh vực khám phá thuốc, năng lượng sạch đến lập mô hình khí hậu và đổi mới robot. Khác với siêu máy tính truyền thống, Nexus tập trung vào tính dễ tiếp cận. Những nhà nghiên cứu từ các tổ chức trên khắp cả nước có thể xin cấp quyền truy cập thông qua Quỹ Khoa học Quốc gia. Hệ thống cũng sở hữu giao diện thân thiện với người dùng để làm cho công cụ AI tiên tiến dễ sử dụng hơn với nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực đa dạng.
Nexus sẽ kết hợp sức mạnh tính toán lớn với bộ nhớ và lưu trữ tiên tiến, bao gồm 330 nghìn tỷ byte bộ nhớ và 10 triệu tỷ byte lưu trữ flash, tương đương với khoảng 10 tỷ xấp giấy 500 tờ. Quy mô đó cho phép cỗ máy xử lý vấn đề phức tạp và tập dữ liệu lớn quan trọng cho nghiên cứu cao cấp. Siêu máy tính Nexus cũng có hệ thống truyền dữ liệu siêu nhanh, đảm bảo nhà nghiên cứu không mất nhiều thời gian chờ đợi thông tin luân chuyển giữa các hệ thống, thay vào đó tập trung hơn vào khám phá.
Viện công nghệ Georgia đang xây dựng Nexus cùng với Trung tâm Ứng dụng Siêu máy tính Quốc gia (NCSA) tại Đại học Illinois Urbana - Champaign. Hệ thống của họ sẽ được kết nối qua mạng tốc độ cao, tạo ra cơ sở hạ tầng nghiên cứu quốc gia chung nhằm mở rộng quyền truy cập công cụ AI.
Viện Công nghệ Georgia sẽ bắt đầu xây dựng Nexus trong năm nay, dành 10% công suất của siêu máy tính cho nghiên cứu trong khuôn viên trường. Khi đi vào hoạt động, Nexus sẽ không chỉ đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề khoa học khó khăn nhất hiện nay mà còn mở ra cánh cửa cho những khám phá mà giới nghiên cứu chưa từng tưởng tượng.
An Khang (Theo Interesting Engineering, Georgia Tech)