Nhóm nghiên cứu gấp rút khai quật hóa thạch khủng long Lufengosaurus. Ảnh: China News.
Các nhà cổ sinh vật tìm thấy hóa thạch xương khủng long cực kỳ hoàn chỉnh trong lớp đất có niên đại 180 triệu năm ở Lộc Phong, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, Mail hôm 7/6 đưa tin. Bộ xương còn nguyên vẹn khoảng 70%, thuộc về một loài khủng long có chiều dài gần 8 m. Nó được phát hiện trong cuộc khai quật cuối tháng 5.
"Hóa thạch khủng long có độ hoàn chỉnh cao như vậy rất hiếm thấy trên thế giới", Wang Tao, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Hóa thạch Khủng long (DFCRC) của thành phố Lộc Phong, cho biết. DFCRC đang lên kế hoạch khẩn trương khai quật để "giải cứu" bộ xương vì nó nằm ở nơi có nguy cơ xói mòn đất. Ông cùng các cộng sự hy vọng sẽ sớm đào được hộp sọ của sinh vật cổ xưa này.
Dựa vào xương đuôi và đùi, nhóm nghiên cứu tin rằng nó thuộc chi khủng long khổng lồ Lufengosaurus, từng sống ở đầu kỷ Jura. Lufengosaurus là khủng long ăn cỏ 4 chân và được gọi là "thằn lằn Lộc Phong".
Năm 2017, các chuyên gia tìm thấy protein trong xương sườn của một hóa thạch khủng long 195 triệu năm tuổi cũng thuộc chi Lufengosaurus ở Vân Nam. Phát hiện này gây chú ý lớn vì là dấu vết protein cổ xưa nhất từng ghi nhận.
Đầu năm nay, các chuyên gia cũng tìm thấy bộ xương của một con khủng long nhỏ tuổi sống ở đầu kỷ Jura tại Lộc Phong. Hóa thạch này là một phát hiện thú vị vì không trùng khớp với bất kỳ loài khủng long nào đã biết.
Thu Thảo (Theo Mail)