Chuột nhắt lúc nhúc trong nhà ở bang New South Wales. Ảnh: Dean Sewell.
Giáo sư Paul Thomas, nhà nghiên cứu ở Đại học Adelaide, thành viên của liên minh quốc tế bao gồm Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) và Bộ Nông nghiệp Mỹ, nghiên cứu cách biến đổi gene an toàn để khiến chuột cái vô sinh. Kỹ thuật có thể áp dụng cho những loài động vật có vú xâm hại khác như mèo và cáo.
Sự phát triển của công cụ CRISPR chi phí tương đối thấp cho phép các nghiên cứu biến đổi hệ gene của các tổ chức sống. Chuột nhắt đặc biệt phù hợp với kỹ thuật này bởi thời gian ngắn giữa những lứa đẻ.
Kỹ thuật được thiết kế để hoạt động theo hai giai đoạn, đầu tiên gene biến đổi lan truyền và sau đó ức chế số lượng chuột. Cá thể biến đổi gene luôn truyền lại gene này. Ít nhất ban đầu, chỉ một trong hai con chuột bố hoặc mẹ mang gene đã chỉnh sửa, chuột non vẫn có thể sinh sản và lan truyền gene gây vô sinh. Sau khi quần thể bị "bão hòa" bởi gene biển đổi, giai đoạn thứ hai sẽ diễn ra. Những cá thể biến đổi gene bắt đầu giao phối với nhau. Kết quả là tất cả con non thuộc giống cái sẽ vô sinh, khiến quần thể bị tiêu diệt, Thomas giải thích.
Kế hoạch của nhóm nghiên cứu là lập mô hình kỹ thuật biến đổi gene hoạt động như thế nào trong phòng thí nghiệm trước khi thử nghiệm với một đàn chuột lớn nhốt trong lồng. Nếu được phê duyệt, giai đoạn tiếp theo là thử nghiệm trong tự nhiên trên một hòn đảo ngoài khơi không có người ở. Thomas chia sẻ đây sẽ là chặng đường dài trước khi phóng thích chuột biến đổi gene ở đại lục Australia.
Chính quyền các bang trong đó có New South Wales đang cân nhắc cách sử dụng những gene tương tự để kiểm soát loài gây hại khác như mèo hoang trong tương lai. "Chúng tôi cần nhiều công cụ, bao gồm di truyền và biện pháp kiểm soát, để bảo tồn hệ sinh thái khỏi loài xâm hại", Richard Kingsford, giám đốc Trung tâm khoa học hệ sinh thái ở Đại học New South Wales (UNSW), cho biết.
Bill Sherwin, nhà di truyền học ở UNSW, nhận định mỗi biện pháp tác động tới số lượng đều có lợi ích và tác hại. Trong trường hợp tạo đột biến gene gây vô sinh ở chuột, cần đảm bảo gene này không truyền sang các loài chuột bản xứ nguy cấp thông qua giao phối.
Tất cả nghiên cứu về biến đổi gene (GMO) ở Australia đều cần giấy phép từ Cơ quan điều phối công nghệ gene khối Thịnh vượng chung trước khi bắt đầu. Trước khi cấp giấy phép, nhà chức trách sẽ chuẩn bị kế hoạch đánh giá và quản lý rủi ro dựa trên tư vấn từ chính phủ, các chuyên gia và ý kiến cộng đồng. Trước đây, Australia đã thông qua sản xuất thương mại cây bông, hạt cải và hoa rum biến đổi gene nhưng chưa cấp phép phóng thích động vật biến đổi gene nào.
An Khang (Theo Sydney Morning Herald)