Mô phỏng hành tinh khí khổng lồ. Ảnh: Dottedhippo.
Được đặt tên là YSES 2b, hành tinh mới quay xung quanh ngôi sao trẻ TYC 8984-2245-1, hay YSES 2, trong chòm sao Thương Dăng cách Trái Đất 360 năm ánh sáng. Nó nặng gấp 6,3 lần sao Mộc - hành tinh nhất trong hệ Mặt Trời của chúng ta - và nằm cách ngôi sao của nó tới 115 đơn vị thiên văn, xấp xỉ 115 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.
Phát hiện này khiến các nhà khoa học bối rối bởi khối lượng lớn của YSES 2b và khoảng cách giữa nó và ngôi sao chủ không phù hợp với các mô hình phổ biến nhất về sự hình thành hành tinh khí khổng lồ.
"Nếu hành tinh hình thành ở vị trí hiện tại bằng phương pháp bồi tụ lõi, nó sẽ không có đủ vật chất để phát triển đến kích thước khổng lồ ở khoảng cách lớn như vậy so với ngôi sao. Nếu hành tinh được tạo ra bởi sự thiếu ổn định liên quan đến lực hấp dẫn trong đĩa hành tinh, nó cũng không đủ nặng. Khả năng thứ ba là YSES 2b được hình thành gần ngôi sao bởi sự bồi tụ lõi và sau đó di chuyển ra phía ngoài, nhưng cuộc di cư như vậy cần có tác động lực hấp dẫn của một hành tinh thứ hai mà nhóm nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy", tác giả chính Alexander Bohn từ Đại học Leiden của Hà Lan giải thích.
Hệ thống YSES 2 chụp bởi thiết bị SPHERE. Ảnh: ESO.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bohn cùng cộng sự muốn tiếp tục quét môi trường xung quanh YSES 2 để tìm kiếm các ngoại hành tinh có khả năng tồn tại trong hệ thống này. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng những kính thiên văn tiên tiến hơn trong tương lai sẽ cho phép chụp ảnh YSES 2b với độ phân giải tốt hơn.
YSES 2b được phát hiện bởi SPHERE, thiết bị nghiên cứu ngoại hành tinh có độ tương phản cao trên Kính viễn vọng Rất lớn (VLT) của Đài thiên văn Nam Âu (ESO). Dụng cụ do Hà Lan đồng phát triển có thể thu ánh sáng trực tiếp và gián tiếp từ các hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời. Khám phá mới đã được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.
Đoàn Dương (Theo Scitech Daily)