Ý kiến được ông Phan Tấn Quốc, Phó giám đốc Chương trình đổi mới sáng tạo KPMG Việt Nam nói tại hội thảo về ứng dụng AI trong doanh nghiệp do Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức sáng 28/6.

Theo ông Quốc nghiên cứu mới đây cho thấy, AI được ứng dụng nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, ngân hàng, bán lẻ, marketing chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Riêng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, ngân sách một doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu chiếm từ 15 - 30% tổng doanh thu. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp trên thế giới sẵn sàng chi cho việc nghiên cứu, ứng dụng AI để tăng năng suất, nâng cao hoạt động. "Họ nhìn nhận AI và đổi mới sáng tạo là tất yếu để phát triển bền vững trong tương lai với động lực là tinh thần khám phá cái mới, chấp nhận rủi ro", ông nói.

Doanh-nghiep-va-AI-QTSC-7844-1719563956.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=F2N_DhvwMvSIbwCflBELSA

Ông Phan Tấn Quốc chia sẻ về ứng dụng AI trong doanh nghiệp tại hội thảo, sáng 28/6. Ảnh: Hà An

Nhìn về Việt Nam, ông Quốc đánh giá tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ngại ứng dụng AI do tâm lý sợ bị thay thế. Họ nghĩ rằng, sẽ đến lúc AI như một "giám đốc điều hành" khiến mọi người bị đào thải. Nhân viên dưới quyền ngại sử dụng AI vì sợ mình bị mất việc. Với những doanh nghiệp có lợi nhuận ổn định hàng năm, khiến họ thiếu động lực đổi mới.

Việc ứng dụng AI theo ông Quốc chỉ đến từ việc lãnh đạo nhận thức rõ mình chính là người quản trị AI và đây chỉ công cụ giúp tăng hiệu quả công việc, doanh thu tăng. Nhân viên khi được đào tạo kỹ năng sử dụng AI giúp nâng cao năng suất lao động. Ông dẫn chứng tại KPMG Việt Nam với số lượng nhân sự hơn 2.000 người, doanh nghiệp nhờ ứng dụng AI thực hiện những công việc lặp đi lặp lại như báo giá, làm hợp đồng, báo cáo khách hàng... mà tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm.

Theo đó "Doanh nghiệp nên coi AI là công cụ giúp doanh nghiệp phát triển thay vì tâm lý sợ bị thay thế’, ông Quốc nói. Lãnh đạo KPMG cho rằng, việc ứng dụng AI cần tập trung vào cải thiện hiệu quả công việc, đầu tiên ở một khâu hay công đoạn, sau đó mở rộng ra cả hệ thống quản trị. Nhân viên cần được đào tạo sử dụng công cụ AI để nâng cao kỹ năng, giúp nâng cao hiệu quả công việc.

Đồng tình, ông Lữ Thế Hùng, Tổng giám đốc Edux nhận định, khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp họ đều lo ứng dụng AI sẽ khiến giảm biên chế, con người. Tuy nhiên khi làm việc với công ty luật ở Australia, ông nhìn nhận AI giúp họ tăng doanh số, thu nhập của nhân sự tăng lên nhờ tăng năng suất lao động. "Ở Việt Nam ai đó nghĩ AI khiến mình mất việc tức họ đang đi ngược với xu thế", ông Hùng nói. Tại đơn vị ông Hùng đang có chương trình đào tạo một triệu thợ công nghệ với các khóa huấn luyện nâng cao kỹ năng sử dụng công cụ AI phục vụ doanh nghiệp.

Doanh-nghiep-va-AI-QTSC-2-8155-1719563956.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VXnH-j03t41BKofAbRwwZA

Doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp AI tại hội thảo. Ảnh: Hà An

Đại diện công ty phần mềm Misa, bà Nguyễn Ngọc Lệ, Giám đốc trung tâm kinh doanh cho biết, đơn vị tìm kiếm những người am hiểu công nghệ, thuê chuyên gia bên ngoài để đào tạo nhân viên. Sử dụng AI là kỹ năng cần thiết cho nhân sự phù hợp với yêu cầu công ty để họ làm việc tốt hơn. Tuy nhiên bà Lệ đánh giá, việc ứng dụng AI phụ thuộc vào khả năng xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu, mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Khi việc quản lý dữ liệu doanh nghiệp được đầu tư, ứng dụng nhiều giải pháp chuyển đổi số thì việc ứng dụng AI có tính khả thi và hiệu quả cao hơn.

Hà An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022