VNE-Lind-1747134615-5382-1747134745.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i1CC3xfuRABS_eIgXnRUaA

Mô phỏng bác sĩ Lind cho bệnh nhân dùng nước cam chanh để điều trị bệnh scurvy. Ảnh: Wikimedia

Vào giữa thế kỷ 18, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với thủy thủ không phải là hỏa lực của kẻ thù hay bão tố trên biển mà là bệnh scurvy với các triệu chứng như suy yếu, sưng nướu, đau khớp và cuối cùng là tử vong. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, ước tính bệnh scurvy giết chết nhiều thủy thủ Anh hơn tất cả các trận hải chiến cộng lại, theo Amusing Planet.

Bệnh scurvy phát sinh do thiếu vitamin C hay axit ascorbic cần thiết để tổng hợp collagen, hấp thu sắt và chức năng miễn dịch. Dù giới nghiên cứu thời đó chưa hiểu rõ bệnh scurvy, một số thực phẩm có thể ngăn ngừa hoặc chữa trị bệnh được công nhận từ lâu trước khi các vitamin được xác định. Khi Vasco da Gama đi thuyền đến Ấn Độ năm 1497, ông nhận thấy bổ sung trái cây họ cam chanh vào chế độ ăn của thủy thủ dường như ngăn chặn triệu chứng của bệnh scurvy.

Lý thuyết y học phổ biến thời đó cho rằng bệnh scurvy là rối loạn tiêu hóa do chế độ ăn uống kém, đặc biệt là tiêu thụ thịt muối và đồ hộp trong thời gian dài. Môi trường khắc nghiệt trên tàu, lạnh, ẩm ướt và đông đúc, cũng được cho là nguyên nhân. Một số người khác cho rằng sự vắng mặt thực phẩm truyền thống như bia hoặc rau củ muối chua góp phần gây ra căn bệnh. Mãi đến năm 1747, bác sĩ phẫu thuật hải quân người Scotland James Lind đã chứng minh bệnh scurvy có thể điều trị bằng cách bổ sung trái cây họ cam quýt vào chế độ ăn uống nhờ một trong những thí nghiệm lâm sàng có kiểm soát đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử y học.

James Lind (năm 1716-1794) được đào tạo tại Edinburgh và gia nhập Hải quân Hoàng gia với vai trò trợ lý bác sĩ phẫu thuật năm 1739. Qua nhiều năm phục vụ, ông quan sát tỷ lệ tử vong cao do bệnh scurvy trong những chuyến đi dài ngày và quyết tâm tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả.

Lind cho rằng bệnh scurvy là do cơ thể nhiễm trùng và có thể được cải thiện bằng axit, vì vậy ông bổ sung axit vào chế độ ăn trong thí nghiệm. Khi phục vụ trên tàu HMS Salisbury năm 1747, Lind chọn 12 thủy thủ mắc bệnh scurvy và chia họ thành 6 nhóm, mỗi nhóm hai người. Tất cả đều được sống trong cùng điều kiện và nhận chế độ ăn cơ bản giống nhau, nhưng mỗi nhóm được bổ sung các chất khác nhau như một lít rượu táo mỗi ngày, 25 giọt axit sulfuric pha loãng 3 lần/ngày, hai thìa giấm 3 lần/ngày, 236 mililit nước biển mỗi ngày, hỗn hợp tỏi, hạt mù tạt, củ cải và gia vị khác, hai quả cam và một quả chanh mỗi ngày.

Chênh lệch ở kết quả thu được rất rõ rệt. Cặp nhận được trái cây họ cam quýt hồi phục nhanh chóng, một người đủ sức làm việc chỉ sau 6 ngày và người còn lại có sự cải thiện đáng kể. Dù thí nghiệm khá nhỏ và không mang tính ngẫu nhiên theo tiêu chuẩn hiện đại, thử nghiệm của Lind đánh dấu bước ngoặt quan trọng từ các phương pháp điều trị dựa trên giai thoại. Ông đã thành lập một nhóm đối chứng, điều trị tất cả đối tượng trong môi trường đồng nhất và so sánh trực tiếp kết quả, những yếu tố chủ yếu đối với thử nghiệm lâm sàng ngày nay.

Tuy kết quả thí nghiệm rất rõ ràng, Lind không tuyên bố trong cuốn Treatise on the Scurvy (năm 1753) nước ép cam quýt là phương pháp chữa trị dứt điểm. Thay vào đó, ông chú ý đến các phương pháp điều trị tiềm năng khác bao gồm một loại nước chiết xuất từ mạch nha. Sự do dự của Lind trong chấp nhận kết quả thử nghiệm lâm sàng một phần do hiểu biết khoa học hạn chế của thời đại và những lý thuyết y học ăn sâu đã định hình suy nghĩ của ông.

Giống như nhiều người cùng thời, Lind tin bệnh scurvy do nhiều yếu tố gây ra như thực phẩm khó tiêu hóa hoặc đang phân hủy, nước tù đọng hoặc ô nhiễm, hoạt động thể chất quá mức và tiếp xúc lâu dài với điều kiện lạnh ẩm ướt cản trở tiết mồ hôi. Dù thừa nhận lợi ích của trái cây họ cam chanh, cách giải thích thận trọng của ông đã trì hoãn áp dụng rộng rãi trái cây họ cam quýt để phòng ngừa bệnh trong y học hải quân thêm vài thập kỷ nữa.

Tuy nhiên, trong Hải quân Hoàng gia, kinh nghiệm thực tế đã dần thuyết phục nhiều sĩ quan và bác sĩ rằng nước ép cam chanh là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh scurvy. Năm 1794, Phó đô đốc Alan Gardner yêu cầu phát nước chanh trên tàu HMS Suffolk cho chuyến đi kéo dài 23 tuần liên tục đến Ấn Độ. Khi tàu Suffolk đến Ấn Độ vào tháng 3/1795, sau hành trình gần 4 tháng, không có trường hợp nào mắc bệnh scurvy nào được ghi nhận. Sức khỏe của thủy thủ đoàn được cho là tốt hơn cả khi họ khởi hành.

Thử nghiệm lâm sàng của James Lind được coi là nền tảng trong y học thực chứng. Dù khá thô sơ theo tiêu chuẩn hiện đại, phương pháp của ông có tính hệ thống và thực nghiệm. Nó đại diện nỗ lực đầu tiên được ghi nhận để kiểm tra các phương pháp điều trị y tế một cách có kiểm soát và so sánh.

An Khang (Theo Amusing Planet)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022