VNE-Land-8063-1690102627.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=O8ezVzFpOyYNoB-FgQyWUg

Trạm đổ bộ Eagle đưa Neil Armstrong và Buzz Aldrin hạ cánh xuống Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969. Ảnh: NASA

Năm 1969, John "Jack" Garman làm việc ở Trung tâm điều khiển nhiệm vụ của NASA ở Trung tâm vũ trụ Johnson tại Houston, Texas. Ông là kỹ sư máy tính, giúp đảm bảo máy tính điều hành tàu vũ trụ hoạt động như dự kiến. Máy tính này có tên là Máy tính dẫn đường Apollo (AGC). Nó được sử dụng bởi các phi hành gia để lái và điều khiển tàu vũ trụ, sử dụng màn hình số thô sơ và bàn phím DSKY. Các kỹ sư sẽ nhập lệnh điều khiển vào cỗ máy và tàu vũ trụ sẽ phản ứng.

Tuy nhiên, trong nỗ lực hạ cánh vào ngày 20/7/1969, khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin ở trên trạm đổ bộ Mặt Trăng, sự cố xảy ra. AGC rơi vào chế độ lỗi gọi là báo động 1202 khi họ rơi xuống mặt đất. Trong vài giây, không ai biết chuyện gì xảy ra, khiến nhiệm vụ lâm vào nguy hiểm. "Thật khác lạ khi có một hệ thống, một phương tiện vận hành bằng máy tính. Ý tôi là ngày nay, những chiếc xe cũng chạy bằng máy tính, nhưng hồi đó, hầu như tất cả hệ thống dùng công nghệ analog", Garman hồi tưởng lại.

AGC được thiết kế để hiển thị báo động khi máy tính quá tải. Lỗi 1202 là một trong những báo động đó. Nó có nghĩa máy tính dẫn đường của nhiệm vụ đang vật lộn với lượng dữ liệu nhận được, gây ra bởi một công tắc sai vị trí. Nhưng khi các phi hành gia báo cáo lỗi này tiếp tục xuất hiện trong suốt quá trình rơi, căng thẳng dâng lên bởi không ai biết chắc điều đó có nghĩa là gì.

Nhưng có một người biết nguyên nhân gây ra báo động. Theo lời khuyên của Gene Kranz, một trong những người chỉ đạo chuyến bay trong nhiệm vụ, Jack Garman nghiên cứu tất cả mã lỗi khác nhau. Trước đó, trong một lần hạ cánh mô phỏng, báo động 1202 khiến nhiệm vụ bị hủy bỏ. Kranz nổi giận và yêu cầu Garman nghiên cứu mọi chương trình báo động có thể xảy ra. Garman cẩn thận kiểm tra từng lỗi báo động và tổng hợp trong một tờ danh sách nhỏ.

Khi Aldrin nêu vấn đề 1202 trong lúc hạ cánh, trung tâm điều khiển nhiệm vụ mất vài giây để nhận biết báo động. Sau đó, họ cần khoảng 10 giây để phản ứng, nghĩa là phi hành đoàn cần chờ khoảng 20 giây nhằm xử lý. Mọi giây đều quan trọng trong khi tiếp đất. "Chúng tôi biết đó là một trong những lý do Armstrong quên để ý mình đang ở đâu bởi anh ấy không nhìn ra ngoài cửa sổ. Họ không biết chắc nơi họ hạ cánh suốt một lúc sau khi hạ cánh, có thể phần lớn do bị xao lãng bởi chương trình báo động", Garman chia sẻ.

Sau cuộc gọi từ Aldrin, sếp của Garman là Steve Bales nhanh chóng kêu cả đội tìm hiểu chuyện gì xảy ra. Với danh sách tổng hợp trong tay, Garman lập tức xác nhận không có gì đáng lo ngại. Điều này cho phép Bales gọi qua máy vô tuyến để thông báo mọi thứ có thể tiến hành tiếp. Đó là quyết định làm hay không làm. Họ truyền lệnh qua mỗi đội bằng máy vô tuyến, chỉ một từ "Đi" có nghĩa hoạt động hạ cánh có thể diễn ra.

Sự kiện này quan trọng đến mức sau này Bales được tổng thống Mỹ trao Huân chương Tự do nhờ thay mặt cả đội đưa ra quyết định. Tuy nhiên, Garman mới là người được biết tới rộng rãi nhờ phản ứng nhanh. Ông qua đời vào ngày 20/9/2016 ở tuổi 72. "Tôi rất buồn khi nghe tin Jack Garman qua đời", Wayne Hale, cựu giám đốc bay và quản lý chương trình tàu con thoi, chia sẻ lúc đó. "Ông ấy đã cứu nhiệm vụ hạ cánh xuống Mặt Trăng đầu tiên".

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022