VNE-Child-JPG-6786-1667882372.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bN41F_ohIyTw-HNRcPpeHg

Phục dựng hình dáng của đứa trẻ trong ngôi mộ thời Đồ Đá. Ảnh: Tom Björklund

Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1991 ở Majoonsuo, một di chỉ khảo cổ gần thị trấn Outokumpu phía đông Phần Lan, ngôi mộ chứa chiếc răng của đứa trẻ. Dựa trên phân tích răng, các nhà khảo cổ đến từ Cơ quan Di sản Phần Lan tại Helsinki xác định đứa trẻ chết trong khoảng từ 3 đến 10 tuổi. Họ suy đoán đây là một ngôi mộ dựa vào thổ chu, loại đất giàu sắt thường gắn liền với các nghĩa trang và nghệ thuật trên đá. Nhóm khai quật của Cơ quan Di sản Phần Lan kiểm tra di chỉ năm 2018 và kết luận nơi này có nguy cơ bị phá hủy, Live Science hôm 7/11 đưa tin.

Căn cứ vào hình thang của hai đầu mũi tên làm từ thạch anh, các nhà khảo cổ tính toán ngôi mộ có niên đại từ giữa thời Đồ Đá, cách đây khoảng 8.000 năm. Sau khi phân tích mẫu vật đất, nhóm nghiên cứu phát hiện lông tơ từ một loài thủy cầm có thể được dùng làm giường cho đứa trẻ. Họ cũng tìm thấy một chiếc lông chim ưng có thể dùng để dẫn hướng cho mũi tên hoặc trang trí y phục.

Ở đáy ngôi mộ có 24 mảng lông động vật có vú. Dù nhiều sợi lông đã hư hỏng, các nhà nghiên cứu nhận định một số đến từ động vật họ chó, có thể là chó sói, đặt ở chân đứa trẻ. Lông chó cũng có thể đến từ quần áo hoặc giày khâu từ da chó sói.

"Chó chôn cùng người chết từng được tìm thấy tại Skateholm, trong một ngôi mộ nổi tiếng 7.000 năm trước", Kristiina Mannermaa, phó giáo sư ở khoa Văn hóa của Đại học Helsinki, cho biết. "Phát hiện ở Majoonsuo rất đáng chú ý dù chỉ còn sót lại lông động vật".

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn khai quật được sợi thực vật, có thể đến từ cây liễu hoặc cây tầm ma, dùng để dệt quần áo hoặc lưới đánh cá. Do đất tại khu vực này ở Phần Lan có tính axit cao, nhóm khảo cổ rất bất ngờ khi một số tàn tích hữu cơ có thể tồn tại hàng nghìn năm như vậy.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022