Máy bay Zephyr bay trong khí quyển. Ảnh: Airbus
Máy bay Airbus Zephyr S hoạt động bằng năng lượng mặt trời cất cánh từ bãi thử nghiệm Yuma của quân đội Mỹ hôm 15/6 và bay theo nhiều kiểu phía trên vùng thử nghiệm Yuma và khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Kofa. Chuyến bay hiện nay đã phá vỡ kỷ lục trước đó của Zephyr là 25 ngày 23 giờ được thiết lập vào tháng 8/2018. Chuyến bay mới nhất cũng đánh dấu một số cột mốc của Zephyr bao gồm lần đầu bay trên mặt nước, lần đầu bay vào không phận quốc tế, lần bay liên tục dài nhất điều khiển qua liên lạc vệ tinh, lần bay xa nhất từ điểm cất cánh, theo thông báo hôm 21/7 của quân đội Mỹ, Space đưa tin.
Zephyr có thiết kế thân hẹp dài gần giống bộ xương và sải cánh 25 m. Dù kích thước lớn, máy bay không người lái này được làm từ sợi carbon tổng hợp siêu nhẹ với tổng trọng lượng 75 kg. Airbus mô tả Zephyr là phương tiện bay không người lái ở tầng bình lưu đầu tiên có thể bay liên tục nhiều tháng một lần. Mẫu máy bay được gọi là "High Altitude Platform Station" (HAPS) hay đôi khi còn gọi là giả vệ tinh. Nhóm máy bay này được thiết kế để lưu lại trong không trung suốt thời gian dài bằng năng lượng mặt trời dùng để sạc bộ pin, cho phép phương tiện bay vào ban đêm. Nhờ hệ thống lưu trữ năng lượng, hoạt động bay của Zephyr hoàn toàn không thải carbon, theo Airbus.
Zephyr có thể chở một lượng lớn thiết bị (lên tới 22,5 kg), bao gồm cảm biến quang học, hồng ngoại và siêu phổ, radar xuyên đất, radar khẩu độ tổng hợp (SAR) và hệ thống cảnh báo. Do vận hành ở độ cao 21.340 m, máy bay có thể quan sát khu vực rộng 20 x 30 km trên mặt đất. Cùng với độ bền bỉ đặc biệt, những khả năng trên biến Zephyr thành lựa chọn phù hợp để đảm bảo an ninh hàng hải hoặc giám sát biên giới. Bởi bay ở độ cao lớn trong thời gian dài, Zephyr có thể dùng như nền tảng chuyển tiếp liên lạc, truyền tín hiệu giữa máy bay khác và trạm mặt đất ở quá xa.
Sau khi chuyến bay lập kỷ lục kết thúc, tiếp theo Zephyr sẽ được thử nghiệm trên Thái Bình Dương trong khi chở thiết bị do quân đội Mỹ phát triển trong vài tuần tới.
An Khang (Theo Space)