VNE-Ear-1734781971-4503-1734782201.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AT4xqmFnzmJjyzUYfjcrYg

Đôi tai của voi châu Phi chiếm 20% diện tích bề mặt cơ thể. Ảnh: Gudkov Andrey

Voi châu Phi (Loxodonta africana) là động vật có vú lớn nhất thế giới trên cạn và có đôi tai lớn nhất trong số các loài voi hiện đại. Trên thực tế, chúng lớn đến mức chiếm 20% tổng diện tích bề mặt cơ thể, theo IFL Science.

Cơ chế phía sau hình dạng đồ sộ của tai voi là nhiệt độ. Thông thường, voi sẽ lang thang khoảng 25 km một ngày, nhưng chúng có thể di chuyển tới 190 km nếu muốn. Quãng đường lang thang đồng nghĩa chúng sẽ đối mặt môi trường đa dạng, từ đồng cỏ cao tới rừng rậm, nhưng nơi nóng nhất là sa mạc và những vùng khô cằn. Nhiệt độ cơ thể tối ưu của chúng là 36 độ nhưng nhiệt độ ở đây có thể nóng hơn nhiều.

Đôi tai lớn là cách voi tiến hóa để duy trì thân nhiệt khi điều kiện môi trường nóng lên. Cấu tạo như vậy cho phép nhiều mạch máu nằm trên khu vực da mỏng hơn, giúp tỏa nhiệt dễ dàng hơn. Bộ phận lớn nhưng mỏng như vậy cũng khiến diện tích bề mặt lớn hơn, mang lại nhiều cơ hội tỏa nhiệt hơn. Ước tính voi châu Phi có thể tuần hoàn khoảng 12 lít máu quanh tai mỗi phút.

So sánh đôi tai khổng lồ của voi châu Phi với tai gấu Bắc Cực, chúng ta sẽ thấy cơ chế khoa học tương tự. Thông qua đôi tai nhỏ hơn nhiều so với các loài gấu khác, gấu Bắc Cực có thể bảo tồn nhiệt, trái với voi châu Phi cần tai lớn để hạ nhiệt.

Tuy nhiên, voi châu Phi không đứng đầu danh sách những đôi tai lớn nhất khi so với kích thước cơ thể. Danh hiệu đó thuộc về loài chuột nhảy jerboa tai dài (Euchoreutes naso). Sinh vật sa mạc này có đôi tai dài hơn 1/3 so với đầu của chúng. Là động vật bản xứ trên các sa mạc phía nam Mông Cổ và tây bắc Trung Quốc, chúng cũng cần đôi tai quá khổ để duy trì thân nhiệt. Chuột jerboa tai dài cũng thích nghi với môi trường sa mạc thông qua tiến hóa đôi chân giống chuột túi kangaroo.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022