Một hồ nước gần Kangerlussuaq, Greenland, chuyển sang màu nâu sau đợt nóng và mưa khác thường năm 2022. Ảnh: Vaclava Hazukova
Tây Greenland có hàng chục nghìn hồ trong xanh cung cấp nước uống và giúp hấp thụ carbon từ khí quyển. Tuy nhiên, sau hai tháng mùa thu năm 2022 với mức nhiệt và lượng mưa kỷ lục, khoảng 7.500 hồ trong số này đã chuyển màu nâu, bắt đầu phát thải thay vì lưu trữ carbon, chất lượng nước cũng giảm sút, SciTechDaily hôm 2/2 đưa tin.
Nghiên cứu mới, xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, do Jasmine Saros, phó giám đốc Viện Biến đổi Khí hậu của Đại học Maine, dẫn đầu. Nghiên cứu hé lộ, đến tháng 7/2023, chưa đầy một năm sau sự kiện thời tiết khác thường, các đặc điểm vật lý, hóa học và sinh học của những hồ chuyển nâu đã thay đổi đáng kể.
Mức độ biến đổi như vậy thường mất hàng thế kỷ, theo Saros. "Quy mô sự việc và tốc độ thay đổi đều chưa từng có", Saros nói.
Greenland thường có tuyết rơi vào mùa thu, nhưng nhiệt độ bất thường đã khiến mưa rơi thay vì tuyết. Sự ấm áp cũng làm tan tầng đất đóng băng vĩnh cửu, giải phóng carbon, sắt, magiê và một số nguyên tố khác vào môi trường. Khi lượng mưa kỷ lục quét qua khu vực, những chất mới lộ ra này bị cuốn từ đất vào trong hồ, khiến các hồ chuyển sang màu nâu.
Sự xâm nhập của chất dinh dưỡng và carbon hữu cơ hòa tan từ tầng đất đóng băng vĩnh cửu có thể thúc đẩy vi khuẩn phát triển, tạo ra mùi vị khó chịu trong nước bên cạnh việc thay đổi màu sắc, Saros cho biết. Tăng cường tiếp xúc với kim loại từ tầng đất đóng băng vĩnh cửu cũng có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. Người dân địa phương có thể tìm ra cách xử lý nước thích hợp thông qua việc xác định loại và lượng chất hữu cơ, vô cơ xâm nhập vào hồ sau các sự kiện thời tiết cực đoan.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng sự gia tăng nhiệt độ và lượng mưa năm 2022 do sông khí quyển gây ra. Sông khí quyển là cột hơi nước hẹp dài, mang đến mưa hoặc tuyết lớn khi đổ bộ. Chúng ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới, và các mô hình khí hậu hiện tại dự đoán rằng đến cuối thế kỷ, chúng sẽ hiện diện thường xuyên hơn 50% - 290% ở Greenland, phía tây Bắc Mỹ, Đông Á, Tây Âu, châu Nam Cực.
Saros cho biết, việc nghiên cứu và giám sát thêm sẽ giúp xác định cách các hồ nước có thể phục hồi, cung cấp thông tin sâu hơn về động lực hồ trong khu vực. Các nghiên cứu tiếp theo cũng có thể giúp giới khoa học kiểm tra những hồ chuyển màu nâu trên khắp Bắc Bán cầu, cách chúng phục hồi cũng như biện pháp xử lý và can thiệp tiềm năng.
Thu Thảo (Theo SciTechDaily)