Tau-Orion-9955-1670557079.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=It-PkHKWS0Dams1EMBrjUg

Tàu vũ trụ Orion của NASA trông giống chấm nhỏ (đánh dấu bằng mũi tên) ở trung tâm bức ảnh. Ảnh: Dự án Kính viễn vọng Ảo

Nhóm nghiên cứu thuộc Dự án Kính viễn vọng Ảo tại Italy chụp ảnh tàu Orion khi nó bay cách Trái Đất 382.000 km, xấp xỉ khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng, hôm 7/12. Quá trình chụp ảnh rất phức tạp vì đó là thời điểm trăng tròn và Mặt Trăng đang tỏa sáng mạnh chỉ cách con tàu 28 độ.

Trong ảnh, Orion xuất hiện dưới dạng một chấm nhỏ ở trung tâm, rải rác xung quanh là nhiều ngôi sao trông như những vệt ngắn. Kính viễn vọng đã theo dõi con tàu trong khoảng thời gian 60 giây. Do đó, con tàu đang bay trông giống một dấu chấm còn các ngôi sao tĩnh lại giống như những vệt thẳng.

Đến nay, tàu Orion vẫn hoạt động tốt. Nhóm dự án Artemis I tin rằng sự thành công này sẽ tiếp diễn đến ngày 12/12, nhưng vẫn rất thận trọng. "Chúng tôi sẽ không lơ là. Chúng tôi vẫn còn một số công việc khó khăn phía trước", Mike Sarafin, quản lý nhiệm vụ Artemis, cho biết trong buổi họp báo hôm 8/12.

Chuyến trở về của Orion là một trong những giai đoạn thách thức nhất trong nhiệm vụ Artemis I. Con tàu sẽ lao vào khí quyển với tốc độ khoảng 40.000 km/h, xấp xỉ 32 lần tốc độ âm thanh. Trong quá trình hồi quyển, Orion sẽ chịu mức nhiệt lên tới 2.800 độ C - tương đương 1/2 độ nóng của bề mặt Mặt Trời. Tấm chắn nhiệt sẽ phải bảo vệ các bộ phận của con tàu.

Đây sẽ là bài kiểm tra đầy thách thức với tấm chắn nhiệt - một thiết bị hoàn toàn mới và chưa từng đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt như vậy. Với chiều rộng 5 m, đây là tấm chắn nhiệt lớn nhất thuộc loại này. "Không có cơ sở phản lực hay khí nhiệt nào trên Trái Đất đủ khả năng mô phỏng quá trình hồi quyển siêu vượt âm với tấm chắn nhiệt lớn như vậy", Sarafin cho biết.

Orion dự kiến hạ cánh xuống vùng biển thuộc Thái Bình Dương ở ngoài khơi bờ biển phía tây bang Baja California, Mexico, lúc 0h40 ngày 12/12 (giờ Hà Nội). Nơi này cách điểm hạ cánh theo kế hoạch ban đầu (gần San Diego) khoảng 480 km về phía nam. Các chuyên gia thay đổi điểm hạ cánh nhằm tránh thời tiết xấu.

Tàu Hải quân Mỹ USS Portland sẽ đợi sẵn để kéo Orion lên và đưa con tàu về San Diego. Tiếp theo, con tàu sẽ được chuyển đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida và tiếp tục trải qua quá trình kiểm tra toàn diện sau khi bay.

Thu Thảo (Theo Space, IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022