thien-ha-james-webb-1-8865-1669952185.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1NmpWs8XXDmYrEHDMcw8pQ

Hệ thống thiên hà ZW II 96 chụp bởi kính viễn vọng James Webb. Ảnh: NASA/ESA/CSA

Là một phần của chòm sao Hải Đồn, cặp thiên hà ZW II 96 đang trong quá trình hợp nhất và vô cùng hỗn loạn, với các vùng hình thành sao giống như sợi dây phát sáng liên kết lõi của hai thiên hà, trong khi các nhánh xoắn ốc của thiên hà nhỏ hơn bị biến dạng do nhiễu loạn hấp dẫn.

"Chính sự hiện diện những vùng hình thành sao đã khiến ZW II 96 trở thành mục tiêu hấp dẫn của kính viễn vọng không gian James Webb", NASA cho biết trong một tuyên bố vào 1/12.

Trong quan sát mới, Webb sử dụng hai công cụ NIRCam và MIRI để ghi lại vụ va chạm dữ dội này ở bước sóng hồng ngoại, mang đến cái nhìn chi tiết và rực rỡ chưa từng có.

thien-ha-james-webb-2-8116-1669952185.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jVwCZcXvU053j752v280Ew

ZW II 96 chụp bởi kính viễn vọng Hubble vào năm 2008. Ảnh: NASA/ESA

Theo NASA, do sự "bùng nổ sao trẻ", hệ thống ZW II 96 đặc biệt phát sáng ở bước sóng hồng ngoại, với độ sáng gấp hơn 100 tỷ lần so với Mặt Trời.

Ngay sau khi Webb được phóng lên, các nhà thiên văn học từ khắp nơi trên thế giới đã đề xuất nghiên cứu những hệ sinh thái thiên hà phức tạp, bao gồm cả sự kiện hợp nhất thiên hà như ZW II 96.

Với độ nhạy gấp 100 lần kính viễn vọng Hubble và khả năng "nhìn ngược quá khứ", Webb hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ các chi tiết của môi trường thiên hà phức tạp và cung cấp cái nhìn sâu sắc về vũ trụ xa xôi.

Đoàn Dương (Theo NASA/Sci-News)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022