Thông tin được ông Chu Thúc Đạt, phó cục trưởng Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ nói tại hội thảoKhánh Hòa - hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương đột phá trong kỷ nguyên mới, tổ chức ngày 25/7
Theo Nghị quyết số 09 ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị xác định đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, một cực tăng trưởng và trung tâm khu vực về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ông Đạt cho biết Khánh Hòa đã đạt được những bước tiến đột phá, với tăng trưởng kinh tế hai con số trong hai năm (10,35% năm 2023 và 10,16% năm 2024). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tập trung vào du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng hạ tầng.
Ngoài ra, tỉnh đã sớm xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là giải pháp căn cơ, lâu dài cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Ông Chu Thúc Đạt, Phó cục trưởng Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Bùi Toàn
Hiện, Khánh Hòa đã triển khai chuyển đổi số toàn diện với ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh đang tập trung xây dựng đô thị thông minh, xếp hạng về chuyển đổi số Khánh Hòa nằm trong 20 địa phương dẫn đầu.
Tỉnh đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về biển và đại dương cùng với Viện Hải Dương học; lên kế hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương. Ngành du lịch cũng được đầu tư xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số.
"Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành động lực phát triển, nhằm tăng năng lực cạnh tranh của địa phương và quốc gia", ông Đạt nói.
Từ ngày 1/7, hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận hợp nhất thành tỉnh Khánh Hòa mới, có diện tích 8.555 km2, quy mô dân số hơn 2,2 triệu người và 65 đơn vị hành chính trực thuộc (48 xã, 16 phường, 1 đặc khu).
Sau hợp nhất, tỉnh có đường bờ biển dài nhất cả nước với khoảng 490 km, sở hữu hạ tầng cảng biển chiến lược Cam Ranh, Khu kinh tế biển Vân Phong, có huyện đảo Trường Sa, tới đây sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước thuộc địa phận tỉnh Ninh Thuận (cũ).
Khánh Hòa có tiềm năng lớn về kinh tế biển, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 4.300 ha; đi đầu thực hiện mô hình nuôi biển xa bờ với nhiều loài mới như cá chim vây vàng, cá chẽm, cá mú, tôm hùm, xây dựng trung tâm dịch vụ nghề cá tại huyện đảo Trường Sa...
Về ngành du lịch, dịch vụ, địa phương sớm xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Vận hành Trung tâm điều hành thông minh, bản đồ du lịch số, hỗ trợ khách hàng trong tất cả các khâu dịch vụ.
Ông Đạt lưu ý địa phương tránh việc chỉ nhấn mạnh vào chi đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà không đặt mục tiêu đo lường hiệu quả. Phân bổ nguồn lực khoa học công nghệ cho các cơ sở nghiên cứu phải dựa trên hiệu quả.
Tỉnh cũng cần kết nối đưa bộ 3 khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số bằng cơ chế quản lý, giải pháp điều hành và phân bổ nguồn lực.

Học sinh trải nghiệm lắp ráp, điều khiển robot tại Cung văn hóa Thiếu nhi Khánh Hòa. Ảnh: Bùi Toàn
Đặc biệt địa phương cần các giải pháp đột phá như chuyển mọi hoạt động lên môi trường số và thay đổi hoạt động của các tổ chức bằng công nghệ, nhất là AI; thúc đẩy đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp để tăng năng suất lao động như thông qua cơ chế vay ưu đãi, giảm thuế...
Đầu tư nâng cấp hạ tầng khoa học công nghệ, đưa nghiên cứu cơ bản về các đại học, viện nghiên cứu - vì đây là nơi tập trung nhân lực nghiên cứu cơ bản là các giáo sư, tiến sĩ và nghiên cứu sinh...; có chính sách chiết khấu thuế cho các khoản chi phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Khoa học công nghệ tập trung chủ yếu vào các công nghệ chiến lược, là các công nghệ tạo ra sự phát triển đột phá, có giá trị gia tăng cao, tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp khác.
"Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết tiếp tục đồng hành, phối hợp với địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ", ông Đạt nói.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, mục tiêu đưa địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 7 của cả nước vào năm 2030 đang "từng bước thành hiện thực". Trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao, từ 8% trở lên; quy mô nền kinh tế sau sắp xếp đạt trên 175.000 tỷ đồng.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững, Khánh Hòa nhận diện rõ ba điểm nghẽn lớn cần tập trung tháo gỡ, gồm: hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiên quyết xử lý dứt điểm các công trình, dự án tồn đọng kéo dài.
Bùi Toàn