Thông điệp được người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra trong buổi làm việc với Cục Thông tin, thống kê, chiều 23/7.
Cục Thông tin, thống kê là đơn vị thực hiện hoạt động thông tin và thống kê về khoa học công nghệ. Mỗi năm, đơn vị này biên soạn hơn 100 ấn phẩm như sách trắng, tổng luận, bản tin, xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu.
Cục vận hành Thư viện Khoa học Công nghệ Quốc gia, có vai trò cấp quyền truy cập hơn 40 triệu tài liệu số từ các cơ sở dữ liệu học thuật quốc tế. Ngoài ra, Cục đảm nhiệm việc đánh giá khoa học, quản lý tạp chí khoa học, công bố khoa học trong nước và đăng ký hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với Cục Thông tin, thống kê, chiều 23/7. Ảnh: Trọng Đạt
Trung tâm dữ liệu của ngành khoa học công nghệ
Lắng nghe báo cáo từ Cục Thông tin, thống kê, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Cục cần xây dựng cơ sở dữ liệu cụ thể, chi tiết về người làm nghiên cứu khoa học, công nghệ tại Việt Nam, thường xuyên cập nhật và kết nối để doanh nghiệp, tổ chức có thể dựa vào đó tìm kiếm chuyên gia, thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu.
"Cục phải làm nền tảng để người Việt Nam có thể tra cứu, xem lĩnh vực họ quan tâm có bao nhiêu người nghiên cứu, đang ở đâu, liên hệ thế nào. Như vậy thông tin thống kê mới có giá trị", Bộ trưởng nhấn mạnh
Hiện Cục có thông tin về tên, tuổi của khoảng 17.000 nhà khoa học công nghệ, nhưng dữ liệu chưa đầy đủ. Nêu ra các khó khăn, Cục trưởng Trần Đắc Hiến cho biết dữ liệu của các đơn vị trong Bộ chưa được kết nối với nhau, không cập nhật thường xuyên, nhiều nơi còn thiếu cơ sở dữ liệu.
Giải vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng Cục Thông tin, thống kê cần trở thành cơ sở dữ liệu của ngành, nơi có thông tin của 6 lĩnh vực Bộ đang quản lý, gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, và năng lượng nguyên tử.
"Các dữ liệu nội bộ trong ngành, từ sở hữu trí tuệ, bưu chính, viễn thông, chữ ký số, tài nguyên Internet, các loại tần số, ứng dụng công nghệ thông tin, kinh tế số, xã hội số cần được đưa vào cơ sở dữ liệu chung để quản lý, phục vụ việc nghiên cứu, đánh giá chính sách, lập kế hoạch, cảnh báo", ông nói và giao Trung tâm Công nghệ thông tin hỗ trợ Cục kết nối các đơn vị trong Bộ, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống".
Trước khúc mắc về năng lực và kinh nghiệm đánh giá khoa học công nghệ, Bộ trưởng nhất trí với đề xuất của Cục về việc thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài, theo giá thị trường. Ông nhấn mạnh đánh giá sẽ phải là hoạt động chính, khẳng định vai trò và giá trị của Cục Thông tin, thống kê.
5 xu hướng định hình cách làm thông tin, thống kê
Trao đổi với hơn 130 cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn Cục nắm vững 5 xu hướng đang định hình lại lĩnh vực thông tin, thống kê.
Cụ thể, thay vì thu thập thông tin, thống kê đơn thuần, lĩnh vực này đang chuyển sang xu hướng phân tích dữ liệu chiến lược thời gian thực, từ đó định hướng, đánh giá chính sách ở tầm vĩ mô.
"Dữ liệu mới chỉ là tài nguyên, giống như đất phải gieo trồng, chăm bón mới ra quả. Dữ liệu phải phân tích, xử lý mới tạo ra giá trị. Dữ liệu không chỉ để đếm số đề tài mà phải trả lời được câu hỏi đề tài có tạo ra kết quả đầu ra, có tác động đến tăng trưởng hay không, Việt Nam nên ứng dụng AI ra sao, dùng công nghệ gì...", Bộ trưởng nhắc nhở các cán bộ, thêm rằng Cục Thông tin, thống kê cần cung cấp được các dự báo.
Xu hướng thứ hai là liên thông, kết nối và cung cấp nền tảng dữ liệu mở. Dữ liệu của Cục cần liên thông với viện, trường, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các bộ ngành và địa phương để tạo thành cơ sở dữ liệu tích hợp.
Tiếp theo là chuyển từ báo cáo tổng hợp sang tư vấn chính sách và dự báo tương lai, cảnh báo sớm. Cục Thông tin, thống kê phải "chuyển nghề" từ tổng hợp sang tư vấn, đánh giá tác động chính sách, trở thành nơi tham mưu chiến lược cho Bộ và Chính phủ.
Đơn vị cũng phải trở thành cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ quốc gia, đầu mối cung cấp dữ liệu cho các báo cáo, nơi mọi người tìm đến lấy dữ liệu và các phân tích làm định hướng tương lai cho đất nước.
Cuối cùng, cơ quan thông tin thống kê phải ứng dụng công nghệ AI, dữ liệu lớn để phân tích dữ liệu, tạo ra giá trị mới. Theo Bộ trưởng, công việc của người làm thông tin, thống kê không chỉ là việc giấy tờ, mà phải là nơi phải ứng dụng công nghệ nhiều nhất.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Cục Thông tin, thống kê cần phân tích dữ liệu để tạo giá trị. Ảnh: TTTT
Đổi mới và giải pháp đột phá
Định hướng phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Thông tin, thống kê phải có những đổi mới toàn diện từ việc định vị, cách tổ chức đến khâu vận hành.
Cục cần chuyển mình từ thư viện khoa học công nghệ thành trung tâm dữ liệu chiến lược và phân tích chính sách. Dữ liệu phải được xem là tài sản lớn nhất, được thu thập, lưu trữ, cập nhật "đúng, đủ, sạch, sống" và khai thác để hỗ trợ hoạch định chính sách. Cục không chỉ là "nhà kho" lưu trữ dữ liệu mà phải biết đọc, phân tích và tạo giá trị từ kho dữ liệu của mình bằng công nghệ.
Bên cạnh đó, Cục phải trở thành đơn vị tham mưu chiến lược về dữ liệu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không chỉ tư vấn cho Bộ mà còn đóng vai trò ở tầm quốc gia về việc nên xây dựng những cơ sở dữ liệu gì, vận hành ra sao.
Đổi mới thứ ba là nền tảng công nghệ và dữ liệu, Cục cần xây dựng kiến trúc dữ liệu mở, liên thông cơ sở dữ liệu của bộ ngành, tổ chức quốc tế, sử dụng công cụ phân tích hiện đại để cung cấp các chỉ số.
Cục cũng cần thay đổi các sản phẩm, dịch vụ công. Không chỉ báo cáo tổng hợp, đơn vị phải phát triển và cung cấp công cụ phân tích chính sách, dự báo xu hướng cho ngành và các bộ ngành, địa phương. Một dịch vụ công khác là cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp, nhà báo tiếp cận, sử dụng qua cổng thông tin dữ liệu mở.
Về cơ chế, tổ chức và nhân lực, Bộ trưởng đề nghị Cục tái cấu trúc theo hướng chuyên sâu, hình thành các đơn vị chuyên trách về dữ liệu, dữ liệu lớn, quản lý hệ thống dữ liệu mở, tư vấn chính sách. Trước mắt, Cục có thể thuê chuyên gia hoặc hợp tác với đại học, startup, viện nghiên cứu để bổ sung nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng AI, dữ liệu lớn trong phân tích và dự báo.
Các giải pháp đột phá cũng được Bộ trưởng nêu rõ, như Cục cần xây dựng trung tâm phân tích dữ liệu, tư vấn chính sách, đồng thời tổ chức lại mô hình hoạt động thành ba mảng: thống kê, thông tin và phân tích - tư vấn.
Bộ trưởng giao đơn vị xây dựng hệ thống dữ liệu mở và liên thông, tích hợp từ nhiều nguồn cơ sở dữ liệu như đề tài, sáng chế, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, doanh nghiệp, startup, đầu tư R&D... song song với việc phát triển nền tảng AI mở hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu, viện trường, doanh nghiệp truy vấn và khai thác dữ liệu.
Cục Thông tin, thống kê phải ứng dụng công nghệ AI, dữ liệu lớn để tự động hóa việc phân loại đề tài, sáng chế, công bố quốc tế, phân tích xu hướng công nghệ và cảnh báo sớm nguy cơ tụt hậu, thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực phân tích dữ liệu và chính sách.
Cục cũng được giao xây dựng cơ chế đặc thù về hợp tác công - tư trong khai thác dữ liệu, theo hướng cho phép hợp tác với startup dữ liệu, viện nghiên cứu độc lập để cùng khai thác. Cục Thông tin, thống kê cũng có thể thí điểm chia sẻ dữ liệu, nhận đặt hàng tư vấn chính sách từ các bộ ngành, địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, chặng đường mới của Cục Thông tin, thống kê phải bắt đầu từ việc chuyển đổi cách tiếp cận: từ thông tin sang dữ liệu, từ dữ liệu thành tri thức, và từ tri thức tạo ra giá trị. Làm tốt điều đó, Cục không chỉ phục vụ lãnh đạo Bộ mà còn có thể tư vấn chiến lược ở tầm quốc gia, cung cấp dịch vụ tư vấn mở rộng, qua đó cải thiện đời sống người lao động và khẳng định vai trò trong hệ sinh thái khoa học công nghệ Việt Nam.
Trọng Đạt
- Tìm chuyên gia đánh giá đề tài nghiên cứu sản phẩm công nghệ chiến lược
- Hợp tác quốc tế, thu hút tinh hoa toàn cầu giải bài toán Việt Nam
- Bộ KH&CN tài trợ đề tài tiềm năng theo định hướng sản phẩm công nghệ chiến lược