Trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần trước, Jensen Huang được một nhà báo đặt câu hỏi: "Nếu là phiên bản 22 tuổi, vừa tốt nghiệp hôm nay nhưng vẫn có cùng tham vọng, ông sẽ tập trung vào điều gì?"
"Với phiên bản Jensen trẻ, 20 tuổi vừa tốt nghiệp, có lẽ cậu ấy sẽ lựa chọn thiên về khoa học vật lý hơn là khoa học phần mềm", CEO Nvidia trả lời và nói thêm, ông thực chất tốt nghiệp đại học năm 20 tuổi, sớm hai năm. Ông lấy bằng cử nhân kỹ thuật điện tại Đại học Bang Oregon năm 1984, sau đó lấy bằng thạc sĩ kỹ sư điện tại Đại học Stanford năm 1992.

Jensen Huang, CEO Nvidia, tại Triển lãm Computex 2024 Đài Loan, hồi tháng 6/2024. Ảnh: Khương Nha
Khác với khoa học sự sống, khoa học vật lý là một lĩnh vực rộng tập trung vào nghiên cứu các hệ thống không sống, bao gồm vật lý, hóa học, thiên văn, khoa học Trái Đất. Dù không giải thích lý do chọn khoa học vật lý, ông Huang rất lạc quan về "AI vật lý" và coi là "làn sóng tiếp theo".
Tại Diễn đàn Hill and Valley ở Washington DC hồi tháng 4, ông cũng cho rằng thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn AI trong một thập kỷ rưỡi qua. "AI hiện đại thực sự được mọi người biết đến khoảng 12-14 năm trước, khi AlexNet ra đời và thị giác máy tính có bước đột phá lớn", ông nói.
AlexNet là mô hình máy tính trình làng trong một cuộc thi năm 2012, cho thấy khả năng nhận dạng hình ảnh của máy móc thông qua công nghệ học sâu. Theo ông chủ Nvidia, làn sóng đầu tiên này gọi là AI nhận thức.
Làn sóng thứ hai, AI tạo sinh, xảy ra khi các mô hình AI học được cách hiểu ý nghĩa thông tin, đồng thời dịch sang ngôn ngữ khác, hình ảnh, mã hay dạng thông tin khác. "Chúng ta đang trong thời kỳ 'AI lý luận', khi AI có thể hiểu, tạo và giải quyết vấn đề, đồng thời nhận ra những điều kiện chưa từng thấy trước đây", ông nhận định. AI trong trạng thái hiện tại có thể giải quyết vấn đề thông qua lý luận.
"AI lý luận cho phép bạn tạo ra một dạng robot kỹ thuật số. Chúng tôi gọi chúng là tác nhân AI", nhà sáng lập Nvidia bổ sung. Đây đang là trọng tâm của nhiều công ty công nghệ như Microsoft và Salesforce.
Ông dự đoán làn sóng tiếp theo là AI vật lý, đòi hỏi hiểu biết về các định luật vật lý, ma sát, quán tính, nguyên nhân và tác động. Khả năng lý luận vật lý, chẳng hạn như nhận thức về sự tồn tại của vật thể - vật thể tiếp tục tồn tại ngay cả khi không còn trong tầm nhìn - sẽ rất quan trọng với làn sóng này.
Lý luận vật lý có nhiều ứng dụng, ví dụ dự đoán nơi quả bóng lăn đến, xác định lực cần thiết để cầm nắm đồ đạc mà không làm hỏng, suy luận sự hiện diện của người đi bộ phía sau một chiếc xe. Ông cũng cho biết, khi đưa AI vật lý vào cơ thể robot, chúng sẽ giúp đối phó với tình trạng thiếu lao động trong bối cảnh hàng loạt nhà máy đang mọc lên.
Ngoài Jensen Huang, một số lãnh đạo công nghệ khác cũng quay trở lại với khoa học nền tảng. "Nếu là sinh viên đang lựa chọn một lĩnh vực để tập trung, hãy chọn toán. Nó sẽ rèn luyện cho bạn khả năng dựa vào chính bộ não của mình, tư duy logic, phân tích vấn đề và giải quyết từng bước theo đúng trình tự. Đó là kỹ năng cốt lõi mà bạn cần để xây dựng công ty và quản lý dự án", CEO Telegram, Pavel Durov, khuyên sinh viên trên X hôm 12/7.
Elon Musk khi đó phản hồi một cách ngắn gọn: "Vật lý (cùng với toán)".
Theo Economic Times, cuộc trò chuyện giữa Durov và Musk - hai người có ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ - thu hút sự chú ý với thông điệp chung: trí tuệ thực sự không nằm ở công nghệ hào nhoáng mà là tư duy logic dựa trên nền tảng khoa học tự nhiên. Hai CEO công nghệ hàng đầu, cùng với Jensen Huang, đang khuyến khích thế hệ trẻ không chỉ chú trọng vào các ứng dụng và thuật toán, mà còn cần đào sâu vào những định luật vật lý chi phối thế giới.
Thu Thảo (Theo CNBC, Economic Times)