Chuột khổng lồ đang thực hiện tìm kiếm các mùi trong hộp. Ảnh: APOPO
Các nhà khoa học tại Mỹ, Bỉ và Nam Phi đã huấn luyện thành công chuột túi khổng lồ châu Phi (Cricetomys ansorgei) có thể nhận biết mùi hương của ngà voi, sừng tê giác, gỗ mun châu Phi và vảy tê tê. Đây là những loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất thế giới. Nghiên cứu được công bố trên Frontiers in Conservation Science hôm 30/10.
Theo nhóm nghiên cứu, loài chuột này có khứu giác cực kỳ nhạy bén, có thể phát hiện nhiều mùi hương khác nhau và phân biệt chúng - chưa kể chúng có thể chui vào những không gian chật hẹp. Trước đây, chúng đã được huấn luyện để đánh hơi chất nổ và thậm chí cả vi khuẩn gây bệnh lao.
Để huấn luyện chuột nhận biết mùi hương của các loài động vật hoang dã, nhóm nghiên cứu đã sử dụng 11 cá thể chuột tham gia đầu tiên phải học cách giữ mũi gần mùi mục tiêu trong vài giây. Sau đó cho chúng học cách phân biệt giữa mùi mục tiêu và mùi không phải mục tiêu (những kẻ buôn lậu thường sử dụng những thứ như hạt cà phê và bột giặt để đánh lạc hướng thiết bị dò tìm).
Chúng cũng cần có khả năng ghi nhớ các mùi hương mục tiêu - ngay cả sau 5 và 8 tháng không tiếp xúc với chúng, lũ chuột vẫn có thể nhận ra các mùi hương mục tiêu.
Vào cuối khóa huấn luyện, 8 trong số những cá thể chuột đã trở thành những chuyên gia phát hiện hàng đầu, có thể xác định tất cả bốn mùi hương của các loài mục tiêu và làm như vậy trong số 146 mùi không phải mục tiêu.
Kết quả công bố cho thấy nhóm nghiên cứu thành công trong môi trường phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học cũng cho biết cần phải thực hiện thêm nghiên cứu để kiểm tra loài chuột này với các mẫu vật khác nhau từ một loài và nồng độ khác nhau của các mẫu vật đó.
Hiện nhóm nghiên cứu đã bắt đầu chuẩn bị để loài chuột này có thể được triển khai trong môi trường thực tế, bằng cách trang bị cho chúng những chiếc áo vest chức năng.
Những chiếc áo vest có một quả bóng nhỏ gắn vào ngực, khi kéo sẽ phát ra âm thanh bíp. Chuột sẽ được huấn luyện để kéo quả bóng khi chúng phát hiện ra mùi mục tiêu, âm thanh này sẽ báo cho người xử lý biết phát hiện của chúng.
"Những chiếc áo vest là một ví dụ tuyệt vời về việc phát triển phần cứng có thể hữu ích trong các bối cảnh và nhiệm vụ khác nhau, bao gồm cả ở cảng vận chuyển để phát hiện động vật hoang dã buôn lậu", Tiến sĩ Kate Webb, Đại học Y Harvard, Mỹ, đồng tác giả đầu tiên của nghiên cứu huấn luyện, cho biết trong một tuyên bố.
Bảo Anh (Theo Ifl Science)