Trưa 27/12, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức tổng kết trao giải Hội thi giải pháp ứng dụng AI lần 3. Trong số 210 đội thi tham dự cuộc thi, Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC mang đến giải pháp số hóa, chuyển đổi số toàn diện văn bản giấy tờ dạng ảnh C-OCR giành giải nhất.

Theo thạc sĩ Nguyễn Tiến Đồng, đại diện nhóm nghiên cứu, giải pháp có thể số hóa toàn bộ các dạng tài liệu, văn bản, kể cả văn bản viết tay, biểu mẫu, hồ sơ... phục vụ các thủ tục hành chính. Riêng văn bản chữ viết tay, mô hình của nhóm có thể nhận dạng với độ chính xác trên 95% dựa trên việc cho máy học trên tập hơn 10.000 loại dữ liệu viết tay tiếng Việt.

Hiện sản phẩm được chuyển giao cho một số cơ quan thuế, doanh nghiệp kế toán, tuyển dụng... giúp giảm 50% lượng công việc xử lý giấy tờ thủ công, tăng năng suất lao động. Để số hóa văn bản, người dùng chỉ cần sử dụng các công cụ chụp ảnh trên điện thoại thông minh, máy quét, máy scan... và kết nối vào hệ thống để xử lý giấy tờ. Việc này giúp cán bộ giảm bớt áp lực trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, giảm sai sót trong quá trình làm việc. "Sắp tới nhóm phát triển các mô hình không chỉ ra được văn bản số, trường thông tin mà còn kết nối các nguồn dữ liệu khác để tạo ra một công cụ AI thông minh hơn, hỗ trợ con người nhiều hơn", ông Đồng nói.

trao-giai-ai-4386-1672135485-1-5790-9764-1672144518.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oWGfcbGsgiquYJsQmHkSHw

Các đội thi nhận giải thưởng từ ban tổ chức. Ảnh: Hà An

Dự án thứ 2 thắng giải AI Solution là camera thông minh ứng dụng công nghệ điện toán biên, giúp dữ liệu hình ảnh không phải lưu trữ trên đám mây mà lưu ngay trên các thiết bị IoT. Sản phẩm do nhóm Lê Yên Thanh (công ty Phenikaa Maas) phát triển. Thiết bị IoT này có thể biến camera thường thành camera thông minh kết nối với nhau có các tính năng nhận dạng hình ảnh.

Theo Thanh, việc sử dụng công nghệ điện toán biên giúp giảm chi phí đầu tư thiết bị, truyền dẫn giúp khả năng ứng dụng camera thông minh cao. Dự án đã thử nghiệm tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) giúp đẩy nhanh thủ tục giấy tờ khi ra vào cảng. Trước đây mỗi xe phải mất 2 - 5 phút cho quy trình này. Khi ứng dụng hệ thống camera AI, chỉ mất 10 - 20 giây, giúp giảm tình trạng ùn tắc khi container làm thủ tục trong giờ cao điểm.

"Trong năm 2023, chúng tôi dự kiến thử nghiệm camera thông minh dùng công nghệ điện toán biên áp dụng quản lý giao thông tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM", Yên Thanh nói.

Trao-giai-AI-2-JPG-7403-1672135485.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0w4QbT6AvaingBK3l7YYfA

Camera thông minh ứng dụng cho quản lý giao thông của nhóm dự án trưng bày tại cuộc thi. Ảnh: Hà An

Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao một giải nhất, một giải nhì (cho bảng AI Challenge), 4 giải ba và 7 giải khuyến khích cho các nhóm, dự án xuất sắc khác.

Hội thi giải pháp ứng dụng AI lần 3 do Sở Thông tin và Truyền thông, Thành đoàn phối hợp Đại học Quốc gia TP HCM, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp của học sinh, sinh viên doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực cuộc sống.

Với 210 đội thi, Ban tổ chức chia thành hai bảng, AI Challenge với chủ đề truy vấn dữ kiện từ dữ liệu thị giác yêu cầu nhóm phải sử dụng AI tìm kiếm đoạn video sự kiện với thông tin biết trước. Ở bảng AI Solution, các nhóm sẽ giới thiệu giải pháp công nghệ ứng dụng AI giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống.

Hà An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022