Thông tin chia sẻ tại phiên tọa đàm "Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn", diễn ra chiều 18/12 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Giải thưởng VinFuture 2023.
TS Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng khoa Nội chung - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, Giảng viên lâm sàng thuộc Khối Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUni, cho biết bệnh tự miễn được hiểu là hệ tự miễn tấn công tế bào cơ thể như vảy nến, viêm mạch máu. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm bệnh tự miễn ngày càng tăng, chiếm khoảng 4-5% dân số, tương đương khoảng 4 triệu người mắc bệnh trong tổng số 100 triệu dân.
TS Nguyễn Văn Đĩnh chia sẻ tại phiên tọa đàm. Ảnh: Văn Lâm
Mô hình sinh bệnh học của bệnh tự miễn cơ chế kháng thể, cơ chế tế bào. Đầu tiên các yếu tố tự miễn lành tính dẫn tới tự miễn bệnh học. Các yếu tố kháng thể cũng như phức hợp miễn dịch tạo cytokine trong huyết tương. Do đó kích hoạt của tế bào miễn dịch của tế bào T và B dẫn tới biểu hiện lâm sàng khác nhau, tùy từng giai đoạn có thể phòng bệnh can thiệp. Để điều trị, ông cho hay xác định các yếu tố dấu ấn sinh học, các kháng thể để chẩn đoán sớm cho bệnh nhân hoặc xác định yếu tố bệnh học. Từ cổ đại đã có thuốc lá điều trị cho bệnh nhân, song cần có liệu liệu pháp đích điều trị trên tế bào T và B làm sao để ức chế chúng.
Song ông chỉ ra thực tế, một số loại thuốc sử dụng ở Việt Nam như ức chế tế bào rất đắt tiền. Tại Vinmec, một số thuốc sinh học để điều trị hiệu quả một số số bệnh lympho liên quan tế bào T và bệnh lý lupus ban đỏ, nhưng giá tới cả chục nghìn USD cho liệu pháp.
Triển vọng tạo ra vi sinh vật để điều trị cho số đông người dân là cách tiếp cận mới trong miễn dịch được GS Pascale Cossart, nguyên Trưởng khoa Tế bào tại Viện Pasteur, Pháp, đề xuất. Bà phân tích, hệ vi sinh vật ở con người giống vi khuẩn virus nhưng lành tính và cố định trên da, đường ruột. Cơ thể chứa số lượng vi khuẩn gấp nhiều lần số tế bào cơ thể. Vai trò hệ vi sinh vật đường ruột là tiêu hóa thức ăn và tạo ra các miễn dịch cơ thể, hệ thống nhầy, peptide kháng khuẩn, thậm chí ảnh hưởng hành vi cảm xúc.
Bà nhấn mạnh, nhiều bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật tác động lên đáp ứng hệ miễn dịch và liệu pháp miễn dịch. "Việc đưa ra các thuốc tăng cường hệ miễn dịch hoặc thay thế hệ vi sinh vật đường ruột được coi là biện pháp có khả năng phòng ngừa", bà nói.
Hiện nghiên cứu vi sinh vật này tốt cho bệnh nào, áp dụng cho bệnh nào là vấn đề đang được quan tâm. Bà cho biết thêm vi sinh vật khác nhau trong mỗi người ở từng quốc gia là khác nhau, thậm chí nhấn mạnh 2 người song sinh ở vùng khác nhau lượng vi sinh vật cũng khác nhau. Do đó GS Pascale Cossart gợi ý có thể cải thiện chế độ ăn uống nhằm tạo lượng vi sinh vật có lợi cho cơ thể.
Các nhà khoa học thảo luận về các liệu pháp mới điều trị bệnh tự miễn. Ảnh: Văn Lâm
Tại hội thảo, các nhà khoa học thế giới cũng chia sẻ nhiều liệu pháp mới. GS Shimon Sakaguchi, Nhà miễn dịch học và Giáo sư xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka, Nhật Bản, giới thiệu liệu pháp tế bào T điều hòa. Ông là người phát hiện ra các tế bào T điều hòa (Tregs) và cách sử dụng để kích hoạt và tăng cường khả năng miễn dịch giúp điều trị các khối u, các bệnh tự miễn. Ông cho hay liệu pháp tế bào T điều hòa có thể đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh như viêm tuyến giáp tự miễn, viêm ruột tự miễn, sử dụng trong bệnh nhân ghép tạng. Trong tương lai, những tiến bộ mới về nghiên cứu Treg có thể giúp tìm ra các loại thuốc mới có khả năng tăng số lượng tế bào Treg gắn với kháng nguyên.
Còn GS Jang-Soo Chun, Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju, chia sẻ sinh học phân tử liên quan mật thiết tới các bệnh viêm khớp dạng thấp. Ông cho hay 40% bệnh nhân không đáp ứng thuốc hiện nay, do cơ chế bệnh phức hợp và các tế bào miễn dịch khác nhau, do di truyền và một số yếu tố ngoại lai. GS Jang-soo khuyến nghị cần phải tăng cường tế bào đích để xác định các yếu tố kháng thể chuyên biệt làm nên thuốc có hiệu quả. Hiện nhóm của ông theo đuổi bào chế thuốc tổng hợp nhằm tế bào đích để cải thiện chức năng.
Như Quỳnh