VNE-Isaac-1-4129-1458882343.jpg

Bản thảo viết tay đề cập tới cách chế tạo hòn đá phù thủy của Isaac Newton. Ảnh: Tổ chức Di sản Hóa học.

Hòn đá phù thủy hay Đá tạo vàng là một vật chất kỳ bí. Các nhà giả kim thuật tin rằng nó có nhiều đặc tính phép thuật giúp con người trường sinh, theo Live Science.

Bản thảo của Isaac Newton xuất hiện trong một buổi bán đấu giá tại Pasadena, California, Mỹ hôm 16/2 và được Tổ chức Di sản Hóa học (CHF) ở Philadelphia mua lại.

Tài liệu viết tay này chứa những chỉ dẫn để tạo ra chất thủy ngân phù thủy do Newton sao chép lại từ sổ tay của một nhà giả kim danh tiếng khác. Được viết bằng tiếng Latinh, tựa đề của nó là "Chuẩn bị thủy ngân Sophick cho hòn đá phù thủy bằng kim loại chống mòn hình sao của sao Hỏa và Mặt Trăng lấy từ ghi chép của triết gia người Mỹ".

"Chúng tôi rất quan tâm đến bản thảo này bởi nó là một phần trong hoạt động giả kim của Isaac Newton. Nó thể hiện hiểu biết, hứng thú và các thí nghiệm của nhà vật lý lỗi lạc trong lĩnh vực giả kim thuật", James Voelkel, người quản lý sách quý của CHF chia sẻ.

Cho đến thế kỷ 18, các nhà giả kim vẫn tin rằng kim loại có thể chia nhỏ thành nhiều phần và luyện thành kim loại khác quý hiếm hơn như vàng. Họ phát triển vô số ký hiệu tượng trưng và viết nhiều bản thảo bằng mật mã để tránh tài liệu rơi vào tay những người không xứng đáng. Chính những thí nghiệm giả kim ban thuở đầu này đã nâng đỡ cho sự ra đời của hóa học hiện đại, theo Voelkel.

VNE-Isaac-2-9884-1458882344.jpg

Chân dung nhà vật lý Isaac Newton. Ảnh: Toppr.

Sử dụng thủy ngân phù thủy chỉ là một trong số nhiều bước của quá trình giả kim. Nó có thể được sử dụng để chế tạo hòn đá phù thủy, vật chất không chỉ biến chì thành vàng mà còn giúp con người đạt đến sự bất tử. Vì những lý do đó, đây là vật chất được săn tìm nhiều nhất trong giới giả kim ở nước Anh thế kỷ 17.

Công thức điều chế thủy ngân phù thủy của Newton ban đầu do một nhà hóa học người Mỹ tên George Starkey viết ra. Starkey học tại Đại học Harvard và chuyển đến Anh năm 1650 để cộng tác với các nhà hóa học xuất chúng đương thời. Cuối cùng, ông làm việc với Robert Boyle, một trong những đồng nghiệp của Newton. Nhưng Starkey công bố nghiên cứu dưới bút danh Eirenaeus Philalethes, cho phép ông kiểm soát việc các nhà hóa học khác mô phỏng thí nghiệm của mình.

Tuy các sử gia không nêu rõ Newton có tiến hành thí nghiệm giả kim của Starkey hay không, khả năng này là rất cao theo nhận định của Voelkel. Trên thực tế, Newton để lại nhiều chú thích và sửa một lỗi sai trong bản gốc của Starkey. Ở phía sau bản thảo, ông cũng viết lại một thí nghiệm chưng cất lõi chì của chính ông.

Dù nổi tiến với nghiên cứu về trọng lực và các định lực chuyển động, Newton từng viết nhiều ghi chú về thuật giả kim với độ dài lên đến hơn một triệu từ trong suốt cuộc đời, các sử gia ước tính.

Phương Hoa

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022