Tại hội thảo về xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi, tổ chức sáng 6/12, TS Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam đã chỉ ra nhiều vấn đề trong khâu xử lý chất thải rắn của ngành.

Ông cho biết, để sản xuất ra một tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi, nhà máy sẽ thải ra khoảng 120 kg rác thải, trong đó lượng lớn có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng. "Với tổng công suất giấy bao bì toàn ngành hiện nay khoảng 7 triệu tấn/năm, và sẽ tăng nhanh trong những năm tới, lượng rác thải công nghiệp của ngành sẽ đạt tới hàng triệu tấn", ông Sơn nói và cho biết, hiện nhiều nhà máy phải thuê công ty môi trường xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt bỏ.

318100436-543273830987979-2711-9957-7395-1670314314.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bSLMGzOQloqJO1iMq6Jlfg

Hệ thống lò hơi tầng sôi đốt biomass Công ty Martech sản xuất. Ảnh: Thu Hiền

Theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Quyền, Viện Khoa học và công nghệ nhiệt lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện có nhiều công nghệ có thể giải quyết bài toán của ngành giấy, trong đó có công nghệ lò hơi tầng sôi. Công nghệ này cho phép xử lý bùn thải, cặn bột và rác.

Lò hơi tầng sôi sử dụng công nghệ đốt cháy nhiên liệu trong lớp sôi, được tạo bởi các nguyên liệu đốt. Công nghệ sử dụng phương pháp pha trộn than với bùn thải, cặn bột làm nhiên liệu đốt cháy. Bùn và cặn bột sau khi ép nước, hoặc sấy để giảm ẩm xuống dưới 40% và phối trộn với nhiên liệu khác (dăm gỗ, mùn cưa, rác thải, than) hoặc có thể đưa trực tiếp vào trong lò hơi bằng một đường riêng biệt. Do đó, công nghệ tầng sôi có thể xử lý tại chỗ lượng bùn thải phát sinh trong quá trình xử lý nước thải của các hệ thống xử lý nước thải của chính nhà máy hoặc khu công nghiệp.

Với các loại chất thải rắn công nghiệp (rác) tách từ quá trình nghiền bột, cần đưa qua hệ thống băm cắt, đảm bảo kích thước đồng đều trước khi đưa vào lò hơi.

Theo ông Quyền, việc sử dụng nồi hơi tầng sôi còn giúp kiểm soát được nhiệt độ tầng sôi, sự tiếp xúc giữa bề mặt nhiên liệu và oxy lớn nên công nghệ này kiểm soát hiệu quả và hạn chế sự sản sinh dioxin/furan.

Công nghệ có thể đốt cháy ổn định nhiều loại nhiên liệu từ than và nhiên liệu pha trộn chất lượng thấp có nhiệt trị khác nhau, hiệu suất đốt cháy khá cao. Ngoài ra có thể đốt kèm rác thải rắn công nghiệp thông thường, cặn bột giấy, bùn thải... giúp tiết kiệm được tài nguyên, chi phí đầu tư và sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Quyền cho biết, hiện một số công ty chế tạo lò hơi trong nước đã làm chủ công nghệ và thiết kế chế tạo được thiết bị lò hơi tầng sôi tiên tiến hiện đại, phù hợp có chất lượng tốt và giá thành rẻ hơn nhập ngoại.

Trên thế giới nhiều nước đã phát triển và ứng dụng công nghệ này như Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Tại Việt Nam, việc sử dụng lò hơi tầng sôi để đồng xử lý chất thải rắn cũng đã được một số nhà máy giấy áp dụng thử nghiệm như công ty giấy Chánh Dương, VinaKraft, Tân Mai, Đông Hải Bến Tre, Hưng Hà... Kết quả kiểm định cho thấy việc đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thường trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy đều có các chỉ tiêu ô nhiễm đạt quy chuẩn về khí thải, nồng độ bụi... đáp ứng với các chỉ tiêu đối với lò đốt rác thải công nghiệp.

Như Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022