Quản lý Văn phòng Phòng vệ Dân sự, Los Angeles, California, kiểm tra còi báo động không kích Chrysler tháng 1/1954. Ảnh: Gsjansen
Còi báo động không kích Chrysler lớn tương đương một chiếc ôtô với chiều dài 3,7 m, chiều cao 1,8 m và trọng lượng khoảng 2,7 tấn. Chiếc còi khổng lồ hoạt động nhờ động cơ xăng 8 xi-lanh công suất 180 mã lực, làm chạy máy nén khí hai giai đoạn và máy cắt quay. Máy nén đẩy 73,9 m3 không khí mỗi phút với áp suất gần 0,5 kg/cm2 qua máy cắt quay để tạo âm thanh. Khí nén thoát ra qua 6 kèn khổng lồ với vận tốc 644 km/h. Quá trình này tạo ra âm thanh cực lớn, đạt 138 dB, khi đo ở vị trí cách còi 30 m. Độ ồn của chiếc còi không có thiết bị cảnh báo nào khác sánh kịp.
Mục đích chính của còi Chrysler là cảnh báo người dân một cách mạnh mẽ nếu Liên Xô tấn công hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1947 - 1989). Còi do công ty ôtô Chrysler hợp tác với Bell Telephone Laboratories chế tạo. Bell đã phát triển một thiết kế tạo âm thanh mới sử dụng luồng khí áp suất cao chạy qua rotor máy cắt, và Chrysler đưa thiết kế đó vào sản xuất.
Chrysler sản xuất ba loại còi báo động không kích dựa trên thiết kế của Bell. Trong đó, thế hệ đầu tiên là còi Chiến thắng Chrysler-Bell, sản xuất vào đầu những năm 1940 và hơn 100 chiếc được bán khắp nước Mỹ. Thiết kế ban đầu sử dụng động cơ 140 mã lực. Phiên bản cải tiến, còi báo động không kích Chrysler với động cơ 180 mã lực trình làng vào năm 1952.
Nhóm thử nghiệm còi Chiến thắng Chrysler-Bell tại New York. Ảnh: Marie Hansen/The LIFE Picture Collection
Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cơ quan hành pháp của một số bang và hạt trong việc mua và lắp đặt còi tại các vị trí quan trọng ở nơi đông dân cư. Ví dụ, hạt Los Angeles mua 6 chiếc, trong khi 10 chiếc khác được bán cho những cơ quan khác trong bang California. Chúng có biệt danh là Còi Đỏ Lớn và chỉ kích hoạt vài lần trong các cuộc kiểm tra định kỳ. Âm thanh của chúng vẫn có thể nghe thấy ở khoảng cách 40 km.
Còi báo động không kích Chrysler mạnh đến mức được Hải quân Mỹ sử dụng để xua tan sương mù trong Thế Chiến II. Sương mù là mối nguy hiểm lớn với hàng không vào thời đó, khi máy bay kém tinh vi hơn và phi công phụ thuộc vào tầm nhìn nhiều hơn là thiết bị trên máy bay.
Cả Hải quân Mỹ và các kỹ sư Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã thử nghiệm nhiều kỹ thuật khác nhau để xua tan sương mù. Cuối cùng, người Anh sử dụng lửa. Một phương pháp khác là lắp một chuỗi còi báo động không kích Chrysler cách nhau khoảng 30 m dọc theo đường mà máy bay sắp hạ cánh. Sóng âm mà chuỗi còi lớn này tạo ra khiến các hạt sương mù lơ lửng hợp lại với nhau và kết thành mưa.
Nhược điểm lớn của phương pháp xua tan sương mù bằng sóng âm là âm thanh của còi gây thủng màng nhĩ, khiến người nghe choáng váng và buồn nôn. Nhân viên làm việc tại sân bay bảo vệ tai bằng vải bông bọc cao su xốp, nhưng điều đó không đủ để ngăn sự thay đổi áp suất không khí khủng khiếp. Tiếng ồn cũng gây hại cho động vật và chim trên trời. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Mechanix Illustrated những năm 1940 gợi ý rằng sóng siêu âm có thể tạo ra hiệu ứng tương tự với sương mù mà không gây khó chịu cho người và động vật.
Chiếc còi báo động không kích Chrysler cuối cùng được sản xuất vào năm 1957. Những chiếc trước đó tiếp tục hoạt động đến những năm 1970, sau đó hư hỏng do không sử dụng và bảo trì thường xuyên. Nhiều còi bị dỡ xuống khỏi các tháp canh và tòa nhà để tái sử dụng làm động cơ ôtô. Số khác bị bán làm phế liệu. Một số ít vẫn còn tồn tại ở vị trí ban đầu, nhưng đã gỉ sét và không thể sửa chữa. Ví dụ, có một chiếc trên nóc khách sạn Westin Poinsett, thành phố Greenville, Nam Carolina, và một chiếc khác trên nóc Tòa nhà Bảo trì Sở Cứu hỏa Rochester ở Rochester, New York.
Thu Thảo (Theo Amusing Planet)