Giáo sư Quarraisha Abdool Karim hiện là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS). Bà cũng giữ vai trò thành viên Hội đồng Sơ khảo giải thưởng VinFuture. Trong giai đoạn chương trình chấm điểm các đề cử, bà có buổi trao đổi cùng VnExpress về những tác động mà giải thưởng mang đến.

- Đồng hành VinFuture từ mùa đầu tiên, bà đánh giá chương trình có sự thay đổi thế nào?

- So với năm 2021, điều dễ nhận thấy nhất là VinFuture có sự tăng lên ở phạm vi ảnh hưởng và uy tín quốc tế.

Trước tiên, sự thay đổi thể hiện ở số lượng đề cử mà chúng tôi nhận được: hơn 1.300, gấp gần ba lần so với mùa giải đầu tiên. Con số này cho thấy sự quan tâm ngày một lớn của cộng đồng khoa học thế giới tới VinFuture.

Thêm một minh chứng là thời gian qua, khi đảm nhiệm chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS), tôi đã làm việc tại Liên Hợp Quốc và đi đến nhiều quốc gia kém phát triển. Tôi đã gặp gỡ rất nhiều nhà khoa học, một số trong đó bày tỏ sự quan tâm đến VinFuture.

Bên cạnh số lượng, chất lượng các hồ sơ tăng lên. Có rất nhiều hồ sơ đầy hứa hẹn, đưa ra các giải pháp tuyệt vời để thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Điều này khiến thành viên Hội đồng thực sự "đau đầu" vì loại cái nào cũng tiếc.

Cá nhân tôi nghĩ mình quá may mắn khi không là người phải ra quyết định cuối cùng. Nhiệm vụ khó khăn đó dành cho Hội đồng Giải thưởng (cười).

Anh-4-3319-1699871111.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eI1ubORBD9E6EWdcdSW2Tw

Giáo sư Karim trao đổi với phụ nữ ở thị trấn Vulindlela tại KwaZulu-Natal, Nam Phi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Theo bà, yếu tố nào khiến số lượng và uy tín của giải thưởng tăng lên?

- Tôi nghĩ sức hút của chương trình nằm ở ý nghĩa khác biệt. Giải thưởng khoa học công nghệ đến từ Việt Nam không giống các giải thưởng quốc tế khác, cả về sứ mệnh, tiêu chí cũng như tầm nhìn.

Giải thưởng hướng đến sứ mệnh "Khoa học phụng sự nhân loại", thúc đẩy cộng đồng khoa học tìm kiếm các giải pháp đột phá, mang lại lợi ích cho hàng triệu người. Là một nhà dịch tễ học, tôi tin rằng khi các nhà khoa học cố gắng tìm kiếm lời giải cho một vấn đề thì nó sẽ có tầm quan trọng đủ lớn với cộng đồng họ sống, thậm chí toàn cầu. Tiêu chí này của VinFuture cũng rất giống với tiêu chí sáng tạo tri thức mà tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu đang áp dụng.

Chương trình còn gây chú ý khi đề cao và thúc đẩy sự hợp tác liên ngành. Các thách thức mà nhân loại phải đối mặt ngày càng lớn, thậm chí vượt ra khỏi nhận thức thông thường, ví dụ đợt Covid-19 vừa qua. Trong bối cảnh đó, hợp tác liên ngành trở thành chìa khóa cho các vấn đề cả cũ lẫn mới. Vaccine mRNA chống Covid-19, đã ra đời theo cách tiếp cận mới đó.

Anh-1-1-9989-1699871111.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SfBB83XoZLoOCJBtWU4chA

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim nhận giải VinFuture 2021 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Ảnh: VFP

- Với cộng đồng khoa học quốc tế, giải thưởng có ý nghĩa gì?

- VinFuture giống như một lời nhắc nhở, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới vì lợi ích xã hội. Ở TWAS, chúng tôi cũng đang xem xét cách kết nối giới nghiên cứu toàn cầu, tạo nền tảng để xây dựng thế hệ lãnh đạo khoa học tiếp theo. Giải thưởng với tầm ảnh hưởng quốc tế, có thể đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đó.

Chương trình còn mở những cánh cửa khoa học, tạo cho chúng tôi những cơ hội kết nối mới. Đơn cử, trong các lễ trao giải, chúng tôi được tiếp xúc với rất nhiều trí tuệ xuất chúng của thế giới.

Cơ hội còn đến với những nhà khoa học không có mặt tại Việt Nam. Các tọa đàm trong khuôn khổ lễ trao giải hay các hội thảo mà VinFuture tổ chức quanh năm với chủ đề xoay quanh các thách thức toàn cầu giúp gắn kết giới khoa học quốc tế, tập hợp những người có chung tầm nhìn, khát vọng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

- Trong nước, ngành khoa học Việt Nam sẽ nhận được những gì?

- Một điều chắc chắn là VinFuture đang giúp Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn, không chỉ ở trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu mà còn về năng lực khoa học.

Tôi cũng chứng kiến những lợi ích gián tiếp khi các nhà khoa học Việt Nam gặp gỡ và có tiếng nói chung với các nhà khoa học thế giới. Đây sẽ là nền tảng cho các mối quan hệ lâu dài, mở rộng hợp tác trong nghiên cứu.

Là người làm khoa học tôi hiểu rằng việc chủ động tìm kiếm các quan hệ với thế giới bên ngoài không dễ dàng. Nhưng nhờ uy tín và vai trò cầu nối của VinFuture, rào cản sẽ được tháo gỡ, cơ hội sẽ mở rộng hơn.

Anh-2-1-JPG-8072-1699871112.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8aNx0JMIxT0N6uReCg2Vdg

Giáo sư Karim (giữa) cùng các thành viên Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Giải thưởng VinFuture tại Lễ trao giải tháng 12/2022. Ảnh: VFP

- Quay lại với mùa giải năm nay, bà dự đoán thế nào về các công trình đạt giải?

- Tôi tin rằng các công trình đạt giải năm nay đều sẽ rất thuyết phục, mang đến nhiều ý nghĩa trong hiện tại và tương lai. Ứng dụng của các nghiên cứu này sẽ hiện diện ngày càng nhiều trong cuộc sống của.

Tôi hy vọng các mùa giải tới sẽ có thêm nhiều đề cử từ các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á... Đây là những khu vực đối mặt với đa số vấn đề cấp thiết toàn cầu. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu như có các công trình thắng giải đến từ đây bởi thực tiễn nhiều thách thức chính là cái nôi để khai sinh ra những nghiên cứu mang tính đột phá.

Minh Tú

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022