VNE-Wall-2570-1703841536.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JKnNjt1ufiLm69NsMoMn9w

Vị trí của vòng cung Mông Cổ (đường màu đỏ). Ảnh: Field Archaeology

Một đoạn của Vạn lý Trường thành Trung Quốc trải dài tới Mông Cổ được phân tích lần đầu tiên, cho phép các nhà nghiên cứu đưa ra một số suy đoán về lịch sử và chức năng của công trình đồ sộ này. Trải dài hơn 405 km, đoạn tường có biệt danh là "Vòng cung Mông Cổ" do lộ trình uốn cong của nó. Nghiên cứu về bức tường đặc biệt được công bố trên tạp chí Field Archaeology, IFL Science hôm 28/12 đưa tin.

Chạy gần như song song với biên giới giữa Trung Quốc và Mông Cổ, rào chắn cổ đại kéo dài từ tỉnh Sukhbaatar tới tỉnh Dornod ở đông bắc Mông Cổ, nơi nhiệt độ thường giảm xuống -25 độ C. Bất chấp quy mô lớn và độ phức tạp, giới nghiên cứu chưa biết chính xác công trình được xây dựng khi nào, ai đã xây nó với mục đích là gì.

Bao gồm một bức tường đất, một đường rãnh và 34 cấu trúc, bức tường và quá trình xây dựng nó được nhắc tới trong vài tài liệu lịch sử từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, dù các nhà nghiên cứu hiện nay chưa thể cung cấp niên đại chuẩn xác hơn. Nhận thấy vòng cung Mông Cổ hầu như không được chú ý trong những văn bản học thuật, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Do Thái Jerusalem ở Israel kết hợp ảnh vệ tinh, bản đồ của Trung Quốc và Liên Xô cùng với quan sát thực địa trực tiếp để phân tích bức tường và cấu trúc kèm theo.

Phát hiện đáng chú ý nhất của họ là vòng cung Mông Cổ chứa nhiều khe hở lớn, chứng tỏ nó được xây vội vã và do đó chưa bao giờ được gia cố đầy đủ. "Một cách giải thích khả thi cho những khe hở, điểm yếu dễ hư tổn trong hệ thống, là vòng cung Mông Cổ được xây gấp rút vào cuối thời nhà Kim như một lớp phòng ngự ngăn quân Mông Cổ xâm lược", nhóm nghiên cứu cho biết. Dù các nhà nghiên cứu không chắc chắn về niên đại của bức tường, nhiều khả năng quá trình xây dựng trùng với đợt quân Mông Cổ chinh phạt nhà Kim vào khoảng năm 1.200. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh đây chỉ là giả thuyết.

Một giả thuyết khác mà nhóm nghiên cứu đưa ra là vòng cung Mông Cổ không phải nhằm phục vụ chức năng quân sự mà gắn liền với việc kiểm soát sự đi lại của cư dân và đàn gia súc, có thể liên quan tới thu thuế. Bằng chứng ủng hộ giả thuyết này đến từ thực tế bức tường không phải rào chắn tốt, nhiều trạm gác nằm ở vị trí kém hiệu quả, cung cấp tầm nhìn kém đối với khu vực xung quanh.

Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch tiến hành khai quật thêm một số cấu trúc liên quan tới vòng cung Mông Cổ để xác định thời điểm xây dựng và công dụng của bức tường.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022