Hậu quả của trận lũ lấy mạng hơn 200 người ở Tây Ban Nha. Ảnh: Pablo Blazquez Dominguez/Stringer
Biến đổi khí hậu mang đến nhiều thảm họa trên toàn cầu, gián tiếp gây lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, theo Live Science hôm 27/12. Năm nay rất có thể trở thành năm nóng nhất từng ghi nhận và là năm đầu tiên nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tháng 5, nồng độ CO2 trong khí quyển - đo từ Đài quan sát Mauna Loa của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) - đạt mức cao kỷ lục 426,90 ppm. "Mức CO2 không chỉ cao nhất trong hàng triệu năm qua mà còn đang tăng nhanh hơn bao giờ hết", Ralph Keeling, giám đốc Chương trình CO2 Scripps, cho biết hồi tháng 5. Lượng carbon toàn cầu thải ra từ nhiên liệu hóa thạch cũng đạt mức cao kỷ lục mới.
Sự ấm lên gây ra những tác động thảm khốc với thời tiết trên khắp thế giới. Năm nay bắt đầu với một trong những sự kiện El Nino mạnh nhất từng ghi nhận. Điều đó dẫn đến một mùa bão dữ dội với cơn bão chết chóc nhất tấn công Mỹ trong nhiều thập kỷ. El Nino cũng gây ra một đợt hạn hán nghiêm trọng ở Amazon. Đợt hạn hán kéo dài này khiến rừng mưa trở nên dễ cháy hơn, dẫn đến mùa cháy rừng tồi tệ nhất suốt gần 20 năm.
Tại Tây Ban Nha, mưa lớn dẫn đến lũ quét khiến hơn 200 người thiệt mạng. Các nhà khoa học cho rằng sự kiện thời tiết khác thường này liên quan đến biến đổi khí hậu.
Thuyền mắc cạn trên hồ Aleixo do hạn hán nghiêm trọng tại bang Amazonas, Brazil. Ảnh: AFP
Năm nay, giới khoa học cũng đưa ra một số dự đoán và cảnh báo về các thảm họa có thể xảy ra nếu không ngừng phát thải carbon vào khí quyển. Một nghiên cứu công bố hồi tháng 6 cho thấy các điểm giới hạn sinh thái - ví dụ như Dải băng Greenland sụp đổ hay rừng mưa Amazon biến thành trảng cỏ - có thể xảy ra chỉ trong 15 năm nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát.
Tháng 10, các nhà khoa học viết thư ngỏ cảnh báo về nguy cơ một dòng hải lưu trọng yếu ở Đại Tây Dương sụp đổ. Trong đó, họ kêu gọi các nhà hoạch định chính sách giải quyết mối đe dọa từ sự suy yếu của dòng hải lưu AMOC. Đây là một "băng chuyền" đại dương khổng lồ vận chuyển nhiệt đến Bắc bán cầu. Sự sụp đổ của nó có thể khiến nhiệt độ trên khắp châu Âu giảm mạnh.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng con người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, một phần do biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên kém. "Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang đẩy chu kỳ nước toàn cầu ra khỏi trạng thái cân bằng. Lượng mưa, nguồn nước ngọt, không còn đáng tin cậy do tình trạng biến đổi khí hậu và thay đổi mục đích sử dụng đất mà con người gây ra, làm suy yếu nền tảng phát triển của con người và nền kinh tế toàn cầu", Johan Rockstrom, giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam, đồng chủ tịch của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước, cho biết.
Vẫn chưa quá muộn để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, theo giáo sư Michael Mann, giám đốc Trung tâm Khoa học, Bền vững và Truyền thông tại Đại học Pennsylvania. "Chúng ta sẽ quyết định mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu. Vẫn còn thời gian để bảo vệ 'khoảnh khắc mong manh', nhưng cơ hội đang thu hẹp. Việc giảm phát thải carbon đang rất cấp bách", ông nói.
Thu Thảo (Theo Live Science)