Thông tin được GS Đỗ Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois nói tại tọa đàm "Triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế" chiều 4/12 tại Hà Nội. Đây là phiên tọa đàm thứ hai thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024.
GS Đỗ Ngọc Minh trình bày tham luận tại tọa đàm chiều 4/12. Ảnh: Thành Kiều
Theo GS Minh hiện nay trong điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư vú, phương pháp hiệu quả nhất là phẫu thuật cắt bỏ mô ung thư. Tuy nhiên, thách thức lớn của bác sĩ là đảm bảo không để lại tế bào ung thư trong cơ thể mà không loại bỏ quá nhiều mô lành.
Phương pháp truyền thống là lấy mẫu mô sau phẫu thuật và gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra tế bào ung thư đã bị tiêu diệt chưa. Quá trình này mất nhiều thời gian và bệnh nhân phải nằm trên bàn mổ rất lâu. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần quay lại để phẫu thuật bổ sung nhằm loại bỏ hoàn toàn mô ung thư, gây đau đớn và tốn kém.
Từ thực tế này, GS Minh và nhóm nghiên cứu kết hợp kính hiển vi quang học theo thời gian thực và mô hình trí tuệ nhân tạo, giúp phân tích 5.000 hình ảnh mô bệnh học mỗi giây. Đây được coi là công cụ giúp rà quét các hình ảnh giúp bác sĩ đưa ra quyết định nhanh chóng liệu ca phẫu thuật có tiếp tục, hay bác sĩ cần kiểm tra kỹ hơn.
"Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò then chốt trong việc đưa ra quyết định nhanh chóng về việc tiếp tục hoặc dừng phẫu thuật", GS Minh nói. Điều này giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn do quá trình phẫu thuật và công sức đi lại bệnh viện nhiều lần.
Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về triển khai AI trong thực tế. Ảnh: Thành Kiều
Một ví dụ khác trong điều trị ung thư chính xác, bác sĩ thường lấy mẫu mô từ bệnh nhân ung thư để nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Sau đó hàng nghìn mô hình được thử nghiệm để nghiên cứu và theo dõi quá trình điều trị thuốc. Cách này giúp bác sĩ tìm ra phác đồ kết hợp thuốc tối ưu.
Theo GS Minh, để làm điều này, cần có cách tiếp cận hệ thống bài bản trong việc chiết tách khối u, mẫu mô, tế bào. Quá trình nghiên cứu các mô hình khối u được ví như dây chuyền sản xuất ôtô với hệ thống robot. "Dây chuyền" này được giám sát bằng lượng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ sở giúp bác sĩ dự đoán được các vấn đề phát sinh trong quá trình điều trị, đánh giá chiều hướng phát triển của khối u, từ đó điều chỉnh, nâng cao hiệu quả điều trị.
GS Yann Lecun cho rằng AI sẽ còn tốt hơn trong nhiều năm tới. Ảnh: Thành Kiều
Theo GS Yann Lecun, Đại học New York và Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, Mỹ, "AI sẽ còn tốt hơn trong nhiều năm tới". "Chúng ta nên tận dụng cho các cơ hội và không nên sợ hãi", ông nói.
Còn TS Xuedong David Huang, Giám đốc công nghệ của Zoom Video Communications (Mỹ) nhìn nhận AI đang mang lại nhiều lợi ích cho con người. Nhiều công ty chip đang kiếm được nhiều tiền từ AI. Các công ty lớn như Meta, Microsoft... đã phát triển nhiều phần mềm làm việc bằng AI ứng dụng trong y tế, giáo dục đều được thay đổi và mang lại hiệu quả tài chính.
"AI có thể giúp có hàng trăm nhà phát triển trẻ tuổi, startup nhỏ khác, tạo sân chơi công bằng, phát hiện ý tưởng mới... là điều tạo nên khác biệt", TS Xuedong David Huang nói.
Vĩnh Hà