seu-hoang-khong-chiu-roi-an-nhan-sau-khi-duoc-cuu-mang-1678494108.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4zOSRjKiGaiV4oHFpd9lBQ
Sếu hoang không chịu rời ân nhân sau khi được cứu mạng

Sếu trở thành bạn với con người sau khi được cứu mạng. Video: Twitter Arif

Theo truyền thông Ấn Độ, anh Mohammad Arif tìm thấy con sếu đầu đỏ bị thương trên cánh đồng của mình ở bang Uttar Pradesh một năm trước. Khi đó, Arif nhận thấy con vật bị chảy nhiều máu và chân phải bị gãy. Anh đã đưa con vật về nhà, chăm sóc nó cho đến khi nó khỏe lại. Nhờ được bôi hỗn hợp thuốc làm từ dầu mù tạt và nghệ lên vết thương, con sếu đứng dậy được trong vòng 6 tuần.

Sau khi hồi phục kha khá dưới bàn tay vị cứu tinh tốt bụng, con sếu hoang vẫn không chịu trở về với tự nhiên như suy nghĩ ban đầu của Arif. Thay vào đó, cả hai trở thành cặp bạn thân không thể tách rời. Con sếu thậm chí còn ăn chung đĩa với Arif.

68436957-11831899-image-a-25-1-7835-4222-1678494798.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0hK8oxZ6yDF7ybNa1RH0hQ

Con sếu ăn chung thức ăn với người đã cứu nó. Ảnh cắt từ video

Gần đây, Arif chia sẻ một số video về người bạn mới của mình lên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong một video, người đàn ông Ấn Độ lái xe máy trên đường làng trong khi con sếu bay theo phía sau. Một đoạn video khác cho thấy Arif tận tâm chăm sóc con sếu khi dùng vòi tắm cho nó và gọi con vật là "mera dost" - nghĩa là "bạn của tôi" trong tiếng Hindi.

"Tôi tưởng khi nó bay lại được, nó sẽ về với gia đình của nó cơ. Xét cho cùng, nó là một loài chim hoang dã mà. Tôi không nghĩ nó sẽ ở lại với mình. Nhưng điều đó đã không xảy ra, nó lại chọn sống với tôi", Arif nói với một tờ báo địa phương.

68436973-11831899-image-m-23-1-2763-6184-1678494798.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TH_aJ3TV5rUB70eeDWOWMA

Arif tắm cho con sếu và gọi nó là 'bạn'. Ảnh cắt từ video

Arif đoán rằng con sếu tin tưởng anh vì anh để nó được tự do lang thang. "Tôi không bao giờ trói nó hay nhốt nó trong lồng. Chắc đó là lý do nó không bỏ tôi", người đàn ông nói thêm. Nói về động cơ đưa con sếu về nhà chăm sóc cho nó hồi phục, Arif cho hay: "Tôi chỉ thực hiện nghĩa vụ của một con người thôi. Khi nhìn thấy nó bị thương, tôi cảm thấy mình nên giúp đỡ nó".

Sếu đầu đỏ được coi là loài chim cao nhất trong các loài chim biết bay trên thế giới. Nó sống ở các vùng đất ngập nước của Nam Á. Loài chim hoang dã này nổi tiếng là loài gắn bó lâu dài với bạn tình và có thể chết đói vì đau buồn sau khi mất đi bạn tình. Vì thế, nó là biểu tượng cho sự chung thủy trong hôn nhân ở Ấn Độ.

Tùng Anh (Theo Mail)

Tin 24H

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022