Ngày 5/11, nhiều tờ báo nổi tiếng ở Hàn Quốc như Chosun, Yonhap, Edaily, đài truyền hình MBC, JTBC đồng loạt đưa tin sự việc về sự việc nữ du khách Việt tập yoga phía bên ngoài cổng Gwanghwamun ở cung điện Gyeongbokgung (cung Cảnh Phúc), đồng thời tạo nên cuộc tranh cãi trên mạng xã hội nước này.
Phần lớn các bình luận bày tỏ sự bức xúc: "Nơi này rất linh thiêng và là biểu tượng của du lịch Hàn Quốc", "Tương tự Đại nội Huế, một di tích lịch sử Việt Nam, cung Cảnh Phúc cũng là nơi linh thiêng ở đất nước Hàn Quốc", "Hành động của người phụ nữ này thật đáng xấu hổ", "Yoga tốt cho sức khỏe nhưng việc phơi bày cơ thể ở nơi công cộng là hành vi thô lỗ và gây khó chịu".
Một số người cho rằng không chỉ hành động tập yoga, riêng việc mặc trang phục bó sát khoe trọn đường cong đi lại ngoài đường cũng hiếm thấy ở Hàn Quốc và được coi là hành vi khiếm nhã.
Nữ du khách tập yoga ở cung Cảnh Phúc gây tranh cãi trong cộng đồng.
Giáo sư Seo Kyung-deok của Đại học Nữ sinh Sungshin nêu mối lo ngại về thiệt hại đối với các công trình văn hóa: "Việc người dân Hàn Quốc phản ứng trước hành vi du khách cư xử không đúng tại địa điểm lịch sử Hàn Quốc là có thể hiểu được. Bạn có thể tự do tập yoga ở bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào nhưng động chạm vào tài sản văn hóa của quốc gia khác rõ ràng là một việc sai lầm". Giáo sư Seo cũng nói thêm các quan chức và nhân viên làm việc tại cung điện Gyeongbokgung cần ngăn chặn những việc làm tương tự trong tương lai.
Cơ quan quản lý Hàn Quốc cho hay họ luôn đảm bảo du khách tham quan, trải nghiệm tự do nhưng không làm tổn hại tới di sản văn hóa. Các cơ quan liên quan sẽ xem xét xây dựng quy định hướng dẫn nhằm ngăn chặn hành động tương tự.
Trước đó, ngày 2/11, chị Hoa (37 tuổi, sống tại Hà Nội) - nhân vật chính trong bức ảnh gây tranh cãi - đăng tải lên trang cá nhân một số hình ảnh trong chuyến đi Hàn Quốc kéo dài 6 ngày 5 đêm. Trong bài đăng, nữ du khách thực hiện một số động tác như trồng cây chuối, chống tay vào gốc cây và xoạc chân. Chị cũng đăng hình ảnh vào nhóm "Review du lịch Hàn Quốc tự túc" trên Facebook, thu hút sự chú ý. Phần lớn người dùng bình luận những hành động này rất phản cảm, đặc biệt là ở một di tích lịch sử quan trọng của Hàn Quốc như cung Gyeongbokgung, nơi có đông du khách tham quan mỗi ngày.
Bản tin của đài JTBC về sự việc du khách Việt.
Chị Hoa cho biết hôm đó có lịch trình đi qua một số điểm du lịch tại Seoul. Thấy bờ tường đẹp, chị dừng lại chụp vài kiểu ảnh chứ không vào trong. Người dân đi qua còn vỗ tay cổ vũ và xin chụp ảnh cùng nữ du khách Việt. Bảo vệ khu vực này nhìn thấy cũng không có hành động nhắc nhở. Tuy nhiên, nữ du khách cũng cho biết sẽ rút kinh nghiệm, không tập yoga ở những địa điểm du lịch như vậy.
Tiến sĩ Phan Thế Anh, giảng viên Truyền thông Marketing tại Đại học Quốc tế Miền Đông, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, có nhiều năm sinh sống tại Hàn Quốc, nhận xét: "Việc mặc trang phục và cư xử đúng mực khi du lịch quan trọng. Cố cung là nơi nhiều người tham quan và mang vẻ trang trọng. Dù không ở bên trong nhưng ở gần khu vực đông người ra vào, trang phục không phù hợp cũng sẽ gây khó chịu cho nhiều người. Có nhiều nơi và hoàn cảnh chụp hình phù hợp yoga hơn là khi đi du lịch".
Du khách thường mặc hanbok khi tham quan cung Cảnh Phúc
Gyeongbokgung, hay cung Cảnh Phúc, là cung điện lớn nhất và nổi tiếng nhất trong số "Năm đại cung" của triều đại Joseon. Được xây dựng vào năm 1395, cung điện này là trung tâm quyền lực chính trị và văn hóa của vương triều. Đây cũng là địa điểm check in nổi tiếng bậc nhất tại thủ đô Seoul.
Cung Cảnh Phúc không có quy định chính thức về trang phục dành cho du khách tham quan nhưng đa phần du khách tới đây đều ăn mặc kín đáo, tránh đi dép tông, mặc quần short và váy ngắn vì chúng không được coi là trang phục phù hợp ở Hàn Quốc. Đặc biệt, nhiều người còn thuê hanbok khi vào cung. Khi diện trang phục truyền thống, du khách sẽ được miễn phí vé vào cổng. Đây là quy định nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa Hàn Quốc.
Hà Nguyên