Rằm tháng Chạp không chỉ đánh dấu những ngày cuối cùng của năm âm lịch mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, thần linh và cầu mong bình an, may mắn cho năm mới.

Lễ vật cúng rằm tháng Chạp đầy đủ

Dưới đây là những lễ vật cần có trong mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp theo phong tục truyền thống.

- Hương và hoa: Đây là hai lễ vật không thể thiếu trong bất kỳ mâm cỗ cúng nào. Hương ượng trưng cho sự kết nối tâm linh, giúp truyền tải lời cầu nguyện đến thần linh và tổ tiên. Hoa tươi thể hiện cho sự tinh khiết, tươi mới và lòng thành kính.

- Đèn và nến thắp sáng có ý nghĩa cầu mong cho ánh sáng soi đường dẫn lối, mang lại bình an và hạnh phúc cho gia đình. Hai cây đèn hoặc hai ngọn nến được thắp lên ở hai bên bàn thờ là hình ảnh quen thuộc trong các nghi lễ.

- Mâm ngũ quả là thành phần không thể thiếu, tượng trưng cho nguyện ước một năm mới đầy đủ và sung túc. Thường thì mâm ngũ quả trên bàn thờ gồm có chuối, bưởi, quýt, mãng cầu và đu đủ. Tuy nhiên, tùy theo vùng miền, sở thích và khả năng mà gia đình có thể điều chỉnh cho phù hợp.

- Trầu cau là lễ vật truyền thống thể hiện lòng thành kính và sự gắn bó trong văn hóa Việt, được sắp xếp đẹp mắt.

- Rượu và nước: Dùng để mời tổ tiên và thần linh, thể hiện lòng thành, sự trọng thị.

- Mâm cỗ, có thể là cỗ chay hoặc mặn.

42281767569561922044982157952505087449629427n-09340381-1736773215543-1736773215900503068657.jpg

Mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp đầy đủ. (Ảnh: Hòa Bùi)

Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Chạp

Một mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Chạp đầy đủ thường bao gồm các món ăn sau đây:

- Bánh chưng hoặc bánh tét: Tùy theo vùng miền, bánh chưng hoặc bánh tét sẽ có mặt trong mâm cúng. Đây là món bánh truyền thống không chỉ mang đậm hương vị Tết mà còn tượng trưng cho đất trời, lòng biết ơn tổ tiên.

- Xôi có thể là xôi gấc, xôi đỗ, xôi lạc tùy theo khẩu vị của gia đình. Món xôi tượng trưng cho sự no đủ, là lễ phẩm dâng lên để tỏ lòng thành tâm. Giữa xôi và bánh chưng có thể chỉ cần chọn một thứ.

- Gà luộc, thường là gà trống, lễ vật thiết yếu trong mâm cúng.

- Canh: Có thể là canh bóng, canh miến, canh măng mọc, canh rau củ.

- Giò lụa: Thể hiện cho sự tròn đầy, viên mãn của năm mới.

- Nem rán: Món ăn phổ biến trong các dịp lễ Tết.

- Thịt đông: Đặc trưng với cái lạnh của mùa đông miền Bắc, món thịt đông có ý nghĩa đoàn tụ, quây quần.

- Món xào: Món xào trong mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ nấu đến cầu kỳ, chẳng hạn như rau cải chíp xào nấm hương, thịt bò xào ớt chuông..

Tùy vào từng vùng miền và điều kiện của từng gia đình có thể thay đổi các món ăn khác nhau để làm lễ cúng.

4228414226956192487831520568893570195888142n-09353384-1736773216540-17367732165991877847700.jpg

Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Chạp gồm các món gà luộc, tôm hấp, bánh Tét, xôi nghệ, rau củ xào, giò, thịt bắp luộc, canh mọc củ quả. (Ảnh: Hòa Bùi)

Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Chạp

Một mâm cỗ chay cúng rằm tháng Chạp thường bao gồm những món ăn đặc trưng sau:

- Nem chay: Làm từ các loại rau củ như cà rốt, khoai môn, nấm mèo và bún tàu, gói trong bánh tráng và chiên giòn. Nem chay mang hương vị nhẹ nhàng, dễ ăn và hấp dẫn.

- Đậu hũ chiên sả: Đậu hũ được cắt miếng, ướp với sả băm nhỏ, sau đó chiên vàng. Món ăn này đơn giản, dễ thực hiện nhưng rất thơm ngon.

- Canh chay: Thường nấu từ các loại rau củ như cà rốt, su su, bông cải, và đậu que. Nước dùng từ rau củ giúp món canh có vị ngọt tự nhiên và thanh mát.

- Xôi gấc: Món xôi gấc có màu đỏ cam đặc trưng, thể hiện sự may mắn, thịnh vượng. Xôi ngọt nhẹ, dẻo thơm nhờ hạt nếp chất lượng và gấc chín.

- Rau củ xào: Các loại rau củ như bông cải, nấm, cà rốt được xào vừa chín tới, giữ được độ tươi ngon và vị ngọt tự nhiên.

- Chè: Có thể là chè đậu xanh, chè hoa cau hoặc chè trôi nước. Chè mang ý nghĩa ngọt ngào, mong muốn cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Khi bày mâm cỗ, các gia đình cần chú ý sắp xếp sao cho hợp lý, gọn gàng và đẹp mắt. Các món ăn nên được đặt trên các bát, đĩa có kích thước phù hợp, thường theo số lẻ (3, 5, 7 món) để thể hiện sự đầy đủ, viên mãn. Trước khi dâng lên bàn thờ, mâm cỗ cần được đặt trên chỗ cao, sạch sẽ.

Các gia đình thường chọn thời điểm buổi sáng hoặc trưa để thực hiện nghi lễ cúng rằm tháng Chạp.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022