Ở thị trường giải trí Việt, ca sĩ ảo chính là "nỗi lo" của nhiều ca sĩ thật. Ca sĩ ảo tên Ann lần đầu xuất hiện trong làng nhạc Việt với MV "Làm sao nói thương anh".
Sự bùng nổ của AI
"Cha đẻ" của Ann, Bobo Đặng, tiết lộ, Ann là ca sĩ 18 tuổi, mang nét đẹp Á Đông. Ngoài âm nhạc, Ann có thể tham gia nhiều hoạt động khác gồm phim ảnh, thời trang, thương mại. "Chúng tôi phải thực hiện nhiều công đoạn như chọn lọc màu giọng, tái tạo kỹ thuật số và kết hợp kỹ thuật thu âm tạo ra giọng ưng ý. Chúng tôi cũng dùng nhiều âm thanh tự nhiên của con người như tiếng thở hoặc lấy hơi để tạo độ chân thực".
Nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Phi Vũ cho biết họ dùng AI như một bộ lọc để kết nối các giọng hát có trong một big data (hệ thống chứa dữ liệu). "Giọng của Ann không dùng giọng gốc của một người mà chọn lọc bằng AI dựa trên giọng hát của nhiều người khác nhau" - anh nói.
Trước đó, ca sĩ ảo Michau và Damsan từng xuất hiện tại Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò dô 2022 ở TP HCM qua hình thức trình chiếu hologram. Giọng hát được xử lý từ phần thu âm của ca sĩ thật giấu tên, sau đó chuyển thành âm thanh ảo.
Ca sĩ ảo tên Ann lần đầu xuất hiện trong làng nhạc Việt. (Ảnh: BOBO ĐẶNG)
Việc tạo ra giọng ca ảo từ AI vốn không xa lạ với âm nhạc các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Theo giới chuyên môn, lợi thế của ngôi sao ảo là "cày miệt mài" mà không ảnh hưởng gì. Hãng Lionsgate dùng AI để thay đổi đoạn hội thoại trong phim mà không cần tốn công quay lại cảnh quay. Spotify sử dụng phần mềm dịch giọng nói để dịch podcast sang các ngôn ngữ khác nhau. Trong khi những người có ảnh hưởng trên mạng nhờ chatbot để tương tác với người hâm mộ, chủ sở hữu Meta làm việc với những người nổi tiếng để tạo ra loạt nhân vật AI có thể trò chuyện với người dùng.
Theo ông trùm giải trí Jeffrey Katzenberg: "AI sẽ là công cụ thiết yếu cho mọi hình thức kể chuyện và đặc biệt nhất là Hollywood".
Còn với Caleb Ward, CEO của Curious Refuge - trang web làm video bằng trí tuệ nhân tạo: "Tôi nghĩ việc sợ thay đổi là điều hiển nhiên nhưng phải hiểu sự thật rằng AI sẽ thay đổi đáng kể cách chúng ta kể chuyện". Đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất Bernie Su nói thêm: "AI giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và truyền tải thông tin rõ ràng từ tầm nhìn này sang tầm nhìn khác".
Và nỗi khiếp sợ AI...
"Quá tuyệt vời và cũng kinh khủng" là nhận định chung của nhiều người trong ngành giải trí khi bàn về AI. Alibaba mới đây giới thiệu một công cụ AI mới mang tên EMO có thể biến đổi nét mặt, tạo chuyển động cho chân mày, mắt, môi nhép theo nhạc.
Bước tiến này của AI khiến không ít người phấn khích xen lẫn sợ hãi. Chẳng hạn chỉ cần lấy hình chân dung của Leonardo DiCaprio thuở còn niên thiếu và cho EMO can thiệp, nhiều người sẽ lầm tưởng là nam diễn viên đang hát thật.
Siêu sao Tom Hanks nhận định: "Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể tái tạo bản thân ở mọi lứa tuổi bằng AI hoặc công nghệ ghép mặt". Nam diễn viên khẳng định rằng đây không chỉ là vấn đề nghệ thuật mà còn là một thách thức về pháp lý.
Tại diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2024 tổ chức ở TPHCM hồi tháng 3-2024, bà Lee Ha Young, Phó trưởng Phòng Hợp tác thương mại - văn hóa thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, cho biết quốc gia này liên tục phải tìm cách ứng phó với sự phát triển của AI, đặc biệt là nạn vi phạm bản quyền.
Bà cho biết nhạc sĩ AI Lee Bom từng được nhận tiền tác quyền liên tục 3 năm, từ 2019-2022 như một nhạc sĩ thực thụ. Lee Bom, trong 6 năm kể từ khi ra mắt vào năm 2019, đã sáng tác được 300.000 bài hát, bán được 30.000 bài, đạt doanh thu 600 triệu won.
Đến gần cuối năm 2022, Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc mới ngừng trả tiền tác quyền vì thống nhất không chấp nhận tác phẩm do AI sáng tạo ra.
Đầu năm 2024 đến nay, nghệ sĩ từ nhiều nước trên thế giới đã phản đối kịch liệt khi những người sáng tạo AI đi quá giới hạn.
Mới nhất, hơn 200 nhạc sĩ, ca sĩ tại Mỹ đã cùng ký vào lá thư yêu cầu các công ty công nghệ cam kết không sử dụng AI để đánh cắp giọng nói và hình ảnh của các nghệ sĩ. Nhóm này có Billie Eilish, Stevie Wonder, Nicki Minaj..., cùng nhiều người nổi tiếng khác.