Theo thông tin từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nghệ sĩ guitar Văn Vượng qua đời lúc 14h ngày 11/2 tại nhà riêng ở Cầu Giấy, Hà Nội.
Lễ viếng NSƯT Văn Vượng diễn ra lúc 14h30 ngày 15/2 tại Nhà tang lễ bệnh viện 354. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 15h30 ngày 15/2/2023, gia đình sẽ đưa linh cữu ông đi hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển, an táng tại nghĩa trang ở quê nhà Hải Dương.
NSƯT Văn Vượng (Ảnh: VCPMC).
Nghệ sĩ guitare Văn Vượng, tức Văn Hữu Vượng (SN 1946 tại Hải Dương). Không chỉ là một nghệ sĩ guitar được yêu thích mà câu chuyện cuộc đời NSƯT Văn Vượng và nghị lực trong cuộc sống, vượt lên số phận của ông đều khiến khán giả cảm phục.
Năm 2 tuổi, ông đi tản cư cùng gia đình, lên 5 tuổi ông bị mất thị giác sau căn bệnh đầu mùa. Năm 7 tuổi, từ chiếc âu đựng trầu bị mất nắp của mẹ, Văn Vượng đã lần mò chắp nối sợi dây cao su vào, kéo căng ra và gẩy lên những tiếng phật phật, pưng pưng. Cây đàn tự tạo ấy đã trở thành niềm vui duy nhất của ông trong thời gian dài.
Không biết chữ, không biết nhạc, nhưng Văn Vượng không chịu đầu hàng số phận, ông mày mò học theo lối nhập tâm và chỉ sau năm tháng, ông thuộc được giáo trình Ferdinando Carulli.
Năm 1954, Văn Vượng mới bắt đầu học qua hệ thống chữ nổi do người bạn Dương Khắc Tiến dạy.
15 tuổi, Văn Vượng đã tự mày mò sáng tác bài Hoàng hôn trên sông và năm 18 tuổi cũng là lần đầu tiên ông biểu diễn trên sân khấu bài Trống cơm của danh cầm Tạ Tấn. Từ đấy, Văn Vượng càng quyết tâm trau dồi tiếng đàn cùng kiến thức âm nhạc.
Cơ duyên dẫn ông tìm đến các nhạc sĩ Văn Cao, Đỗ Nhuận và được chỉ dạy nhiều về sáng tác và hòa thanh, còn nhạc sĩ Tạ Tấn chỉ cho ông những kỹ thuật diễn tấu tên cây đàn guitare và nhiều người khác nữa đã trợ giúp cho ông những kiến thức cơ bản để tiếng đàn của ông ngày một điêu luyện.
NSƯT Văn Vượng (phải) và cố nhạc sĩ Văn Cao (Ảnh: Tư liệu).
Năm 1968, nghệ sĩ Văn Vượng chơi tác phẩm Du kích ca tại sân khấu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sau nghe xem, đạo diễn Trần Văn Thủy đã ngỏ lời mời ông vào bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai, sản xuất năm 1982.
Đạo diễn còn đề nghị nghệ sĩ sáng tác một bản nhạc riêng cho bộ phim và ông đã viết Hà Nội trong mắt ai có cả phần lời. Bên cạnh đó ông còn viết các ca khúc: Hãy quên đi đừng khóc nữa, Bầu trời trong tim anh… Qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếng đàn của Văn Vượng ngày một vang xa.
Ông không chỉ được biết đến là một nghệ sĩ guitar mà nhiều tác phẩm do ông chuyển soạn đã được lưu dấu như: For Elise của Beethoven, Nhạc chiều của Schubert, Phiên chợ Ba Tư của Ambecatenbey hay Diễm xưa, Cát bụi của Trịnh Công Sơn…
Cùng với đó, ông đã có khoảng 8.000 buổi biểu diễn khắp mọi miền đất nước. Lúc sinh thời, ông từng kể rằng, vào khoảng những năm 1968 - 1978, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội luôn chật kín người xem Văn Vượng biểu diễn với các tác phẩm: Người Hà Nội, Trường ca Sông Lô…
Năm 2012, Văn Vượng đoạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội cho những cống hiến của mình. Với những đóng góp của âm nhạc, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT ngày 03/02/1997.