Nhạc sĩ qua đời ở tuổi 89, sáng 29/3 tại TP HCM, sau nhiều tháng chữa bệnh tuổi già, khiến các thế hệ đồng nghiệp, học trò và công chúng tiếc thương. Nhiều người tưởng nhớ, chia sẻ các ca khúc gắn liền tên tuổi ông, tri ân một nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian tài hoa.
Hơn 60 năm, ông và người vợ, tri kỷ của mình - nhà thơ Lê Giang - đi dọc dài đất nước, vào Nam ra Bắc, hòa vào nhịp sống ở khắp vùng miền qua nhiều thăng trầm. Vốn sống, kiến thức về âm nhạc và văn hóa dân gian, nhất là về vùng đất Nam Bộ, được tích lũy qua bao năm tháng, như phù sa bồi đắp dòng âm nhạc Lư Nhất Vũ. Nhờ vậy, nhiều tác phẩm của ông có nội dung và âm giai dạt dào hình ảnh từ thời khẩn hoang, kháng chiến đến ngày đất nước hòa bình.
Nhạc sĩ sinh năm 1936 tại thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Năm 1955, ông từ giã gia đình, bạn bè để lên đường vượt tuyến ra miền Bắc, tham gia Thanh niên xung phong. Xa quê từ thời niên thiếu, ông canh cánh nỗi nhớ miền Nam.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân tại Hà Nội, nhạc sĩ viết Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Về bối cảnh ra đời ca khúc, nhạc sĩ từng nói: ''Lúc ấy tôi trăn trở lắm khi bạn bè đồng hương đều hỏi đã viết gì cho Sài Gòn. Nhưng những sáng tác trước đó lại quá nổi bật, tôi không biết lấy đề tài gì để viết ca khúc cho mới mẻ''. Và rồi, ông tình cờ đọc được một bài báo về những thiếu nữ Sài Gòn chưa từng cầm súng vẫn hăng hái tham gia kháng chiến. Cô gái Sài Gòn đi tải đạn sau đó được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam tháng 9/1968.
Tác phẩm được nhiều đoàn văn công biểu diễn, khán giả cả nước yêu thích nhờ lời ca gần gũi, tiết tấu sôi nổi, khắc họa tuổi xuân lẫn bản lĩnhcủanhững cô gái trên chiến trường. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận định ca khúc mang âm hưởng Nam Bộ rõ nét, là mạch nguồn cảm xúc đã thấm trong con người Lư Nhất Vũ, được ông thể hiện một cách tự nhiên, hồn hậu.

MV ''Cô gái Sài Gòn đi tải đạn'' của tốp ca Nhạc viện TP HCM. Video: YouTube Nhạc Cách mạng tiền chiến
Một dấu son khác trong sự nghiệp sáng tác của Lư Nhất Vũ là nhạc phẩm Bài ca đất phương Nam (1997). Bài hát có ca từ, tiết tấu, âm hưởng gợi nhớ về một thời mở đất khẩn hoang ở miền Tây.
Bài hát do ông phổ nhạc từ lời thơ của vợ, mở đầu với giai điệu nhẹ nhàng, da diết và đẩy cao trào ở điệp khúc. Theo nhạc sĩ Trương Quang Lục, ca khúc được xây dựng theo điệu thức Oán trong dòng nhạc dân gian Nam Bộ, mang nỗi niềm thống thiết. Nhà thơ Lê Giang từng cho biết ông bà đi qua hàng trăm cánh đồng ở miền Tây để chắt chiu cảm xúc cho tác phẩm. Là bài nhạc của phim Đất phương Nam (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) song sau này, ca khúc giữ vị trí độc lập trong làng nhạc và khán giả.

''Bài ca đất phương Nam'' do Tô Thanh Phương thể hiện. Video: YouTube Sài Gòn nhạc xưa
Lư Nhất Vũ và Lê Giang - "cặp tình nhân nghệ thuật" như bạn bè văn giới thuờng gọi họ - dành hàng chục năm rong ruổi mọi nẻo đường sưu tầm, lưu giữ các điệu lý, câu hò. Ông bà đi những chuyến điền dã khắp đất nước để tìm kiếm, lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần từ xa xưa. Nhiều tài liệu được họ biên soạn thành các tác phẩm như Dân ca Bến Tre, Dân ca Kiên Giang, Hò trong dân ca người Việt. Năm 2005, công trình nghiên cứu Hát ru Việt Nam của Lư Nhất Vũ - Lê Giang nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được đánh giá là công phu, đầy đủ nhất về hát ru.
Ngoài chuyển tải nếp sống, tâm hồn người miền Nam,Lư Nhất Vũ còn thành công ở mảng âm nhạc cách mạng. Những sáng tác về người lính của ông không đơn thuần mang tính cổ động mà là những tâm sự sâu lắng, thật nhất về lý tưởng đẹp của một thế hệ trải qua chiến tranh, khát vọng hòa bình cho quê hương, đất nước.

Ca khúc ''Hãy yên lòng mẹ ơi'' qua giọng hát của Đan Trường. Video: Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Nai
Ca khúc Hãy yên lòng mẹ ơi là một nhạc phẩm như thế. Năm 1978, ông và nhà thơ Lê Giang tiễn con trai Lê Anh Trung lên đường nhập ngũ trong chiến dịch biên giới Tây Nam. Giây phút chia tay, Lê Anh Trung nói: ''Ba mẹ hãy yên lòng về con''. Câu nói gợi cho ông bà ngay về ý tưởng thực hiện bài hát. Phần điệp khúc với những lời nhắn gửi xúc động: ''Mẹ ơi, hãy yên lòng/ Dù bao gian lao ngày tháng/ Trường Sơn hay nơi đảo xa/ Đoàn chúng con xin quyết giữ gìn/ Chúng con luôn bên mẹ hiền/ Ngày đêm vững bước trong đoàn quân''.

Bìa sách ''Bài ca đất phương Nam'' do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ phát hành năm 2016, tuyển tập tác phẩm của Lư Nhất Vũ viết từ năm 1955 đến năm 2012. Ảnh: Nhà xuất bản cung cấp
Trong ký ức đồng nghiệp, Lư Nhất Vũ là người giản dị, gần gũi lớp trẻ, sẵn sàng truyền dạy kinh nghiệm viết nhạc. ''Anh giúp chúng tôi biết vận dụng bảy nốt nhạc vào dân ca Nam Bộ để tạo được bản sắc riêng. Cách viết tiết tấu của anh hiện đại, dễ nghe, đi sâu vào lòng công chúng'', nhạc sĩ Trương Quang Lục cho biết.
Ngày Lư Nhất Vũ mất,thư viện số Nguyễn An Ninh - chuyên đề Nam Bộ đăng bài tri ân ông: ''Giờ đây người đã về thiên cổ nhưng những đóng góp của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho mảnh đất Nam Bộ nói riêng và nền âm nhạc Việt Nam nói chung sẽ còn đó''. Nhạc sĩ là một trong những người đầu tiên ủng hộ dự án, đã bàn giao các công trình nghiên cứu điền dã của mình và vợ để thư viện số hóa lưu trữ, phục vụ bạn đọc, nhất là người trẻ.
Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, Lư Nhất Vũ giúp cho lớp nhạc sĩ Thành đoàn TP HCM ''tiếp cận và viết nhiều bài hát gần gũi với bà con Tây Nam Bộ trong những năm đầu thống nhất đất nước''.
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nhớ lúc mới tập tành sáng tác vào những năm 2000, dù yêu thích thể loại nhạc mang âm hưởng dân ca và hâm mộ Lư Nhất Vũ, anh không dám gặp các tên tuổi lớn như ông. Một lần, Nhất Huy nhận được cuộc gọi của ông khen bài hát mới của anh trẻ trung và đậm chất dân tộc. ''Tôi nghe mà không tin đó là sự thật vì một 'cây đa cây đề' nói chuyện trực tiếp và còn khen hai sáng tác mới của tôi. Đó là động lực lớn để tôi tìm về văn hóa dân gian làm nguồn cảm hứng sáng tạo như ông đã làm'', Nguyễn Nhất Huy nói.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ở phóng sự 8 năm trước. Ảnh: Tùng Thiện
Trước tin buồn, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM - cho biết: "Ông rời khỏi cõi tạm này nhưng giai điệu thật đẹp của cuộc đời ông, bài hát của ông, đóng góp âm thầm của ông cho âm nhạc, cho cuộc đời, vẫn còn lại".
Lễ nhập quan và viếng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ được tổ chức sáng 30/3. Lễ truy điệu diễn ra sáng 31/3, linh cữu ông được an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũtên thật là Lê Văn Gắt, tốt nghiệp khoa sáng tác của trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội) năm 1962, sau đó về nhận công tác ở Đoàn ca múa miền Nam. Năm 1967, ông công tác tại phòng chỉ đạo Văn công thuộc Vụ Âm nhạc và múa, theo dõi chỉ đạo hoạt động của Đoàn ca múa nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên.
Năm 1970, nhạc sĩ trở về chiến trường miền Nam, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng, hoạt động ở miền Tây Nam bộ. Sau năm 1975, ông làm việc ở cơ quan Văn nghệ Giải phóng, sau đó là Viện Nghiên cứu Âm nhạc (sau này là Viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP HCM) đến khi nghỉ hưu năm 1997.
Phương Linh