Nghệ sĩ Quang Thọ nói ông buồn bã khi hay tin đồng nghiệp qua đời. Một tháng trước, nghệ sĩ Trung Kiên bị tai biến mạch máu não. Tang lễ ông dự kiến diễn ra cuối tuần này.

NSND-Trung-Kie-n-2919-1611725175.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wpXZAFP07QmvNdWXqvBUWA

Nghệ sĩ Trung Kiên miệt mài giảng dạy, nghiên cứu âm nhạc cho đến những năm cuối đời. Ảnh: Đài Tiếng nói Việt Nam.

NSND Trung Kiên sinh năm 1939 tại Kiến Xương, Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ngày nhỏ, ông tham gia vào dàn đồng ca như Tuổi xanh, Rạng đông của Sở Văn hóa và Thành đoàn Hà Nội. Học hết lớp 10, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1962, khi đang là sinh viên năm ba, ông được cử đi học ở Liên Xô. Sau khi về nước, ông gia nhập đoàn văn công, đi khắp các chiến trường biểu diễn cho bộ đội, thanh niên xung phong.

Tháng 4/1975, ông làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam, cùng nghệ sĩ Quý Dương thu âm các bài hát mừng chiến thắng. Ca khúc Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà) được ông thu trong đêm 30/4, thành công chỉ sau một lần. Trong một bài phỏng vấn, NSND Trung Kiên cho biết cảm xúc khi ấy rất mãnh liệt. "Sau này, dù có hát đi hát lại nhiều lần Đất nước trọn niềm vui, tôi cũng không bao giờ tìm lại được cảm xúc ở thời khắc đặc biệt ấy. Với tôi, khi cất cao khúc khải hoàn ca của đất nước là cảm xúc òa vỡ sau rất nhiều năm dồn nén, ngóng trông".

NSND Trung Kiên có giọng ca tenor (nam cao), gắn liền với nhiều nhạc phẩm cách mạng như Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Chào sông Mã (Xuân Giao), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung), Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân), Tình ca (Hoàng Việt)... Ông còn là thế hệ giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng là học trò của ông như: NSND Lê Dung, Phương Nga, Bích Thủy, Đăng Dương...

Năm 1992, ông được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, phụ trách văn hóa nghệ thuật. Nghệ sĩ đương chức trong 10 năm liên tục cho đến khi về hưu năm 2011. Sau khi về hưu, ông tiếp tục giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, cố vấn cho Trung tâm âm nhạc Serenade và viết sách.

Ông trải qua hai cuộc hôn nhân. Vợ đầu là Thanh Nga - ca sĩ, giảng viên Nhạc viện Hà Nội. Cả hai có một con trai là nhạc sĩ Quốc Trung. Sau khi bà Nga qua đời vì ung thư, ông tái hôn nghệ sĩ piano, nhà giáo Trần Bạch Thu Hà. Bà là con gái nghệ sĩ piano Thái Thị Liên và chị gái nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.

Thu Huế

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022