t1-17116821136012012976232.jpg

Đầu thập niên 2010s, YouTube “bành trướng" trở thành nền tảng chia sẻ video phổ biến nhất. Cùng với sự phát triển của YouTube, music video (MV) trở thành phương tiện biểu đạt hiệu quả cho sản phẩm âm nhạc. Nhận thấy tiềm năng từ việc quảng bá qua MV, nghệ sĩ Việt cũng “bắt sóng" thế giới cho ra đời các MV được đầu tư bài bản về nội dung, hình ảnh từ những năm 2016 - 2017. Chi phí thực hiện MV không nhỏ, có những sản phẩm trị giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Tuy số tiền đầu tư rất lớn, nhưng lợi ích nghệ sĩ nhận về từ MV hoành tráng cũng rất tương xứng. Trong đó, hiệu quả nhất chính là tính lan truyền. Thời điểm làng nhạc Việt còn khan hiếm MV tiền tỷ, những sản phẩm được đầu tư khủng luôn là tâm điểm bàn tán của công chúng.

quote1-17116820746851257304818.jpg

1 đồn 10, 10 đồn 100, chi phí sản xuất MV trở thành một “key truyền thông" cực hot. Dân tình tò mò MV tiền trăm tiền tỷ sẽ có gì, kéo theo hiệu ứng đám đông chú ý và “giữ chân" khán giả bằng chất lượng âm nhạc lẫn hình ảnh. Video nhiều lượt xem được YouTube trả phí, thu hút nhà đầu tư tài trợ. Các nhãn hàng không ngại “xuống tay" để được xuất hiện trong những MV hoành tráng. Do đó, trào lưu làm MV tiền tỷ ngày càng nở rộ, nhất là trong 3 năm 2018 - 2021.

MV Hãy Trao Cho Anh - Sơn Tùng M-TP ft. Snopp Dogg

Hẳn ai cũng còn nhớ “cú nổ" hồi 2019 của Sơn Tùng M-TP với Hãy Trao Cho Anh. Chơi lớn mời siêu sao quốc tế Snoop Dogg hợp tác, phần hình ảnh của Hãy Trao Cho Anh cũng được nam ca sĩ gốc Thái Bình đầu tư đầy choáng ngợp. Quay hình hoàn toàn tại Mỹ, Sơn Tùng còn mời cả hotgirl Madison Beer đóng vai nữ chính.

Dù không có cốt truyện phức tạp, nhưng với bối cảnh tại khách sạn xa xỉ lâu đời ở Los Angeles, dàn khách mời hùng hậu và loạt outfit hàng hiệu sang chảnh, MV Hãy Trao Cho Anh chắc chắn tiêu tốn của Sơn Tùng con số khổng lồ. Chưa kể công tác quay dựng, theo nhiều nguồn tin, chỉ riêng việc mời Snoop Dogg góp giọng và xuất hiện trong MV đã tốn đến 16 tỷ đồng.

quote2-1711682074613502745654.jpg

Đổi lại, Sơn Tùng đã có màn comeback ngoạn mục, một bước lên đến đỉnh cao Vpop ngay sau khi phát hành Hãy Trao Cho Anh. Nam ca sĩ lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu về lượt xem công chiếu cũng như tổng view cho đến hiện tại. Hãy Trao Cho Anh vẫn là cột mốc khó có nghệ sĩ nào vượt qua về mặt thành tích. Sơn Tùng nắm chắc danh xưng ngôi sao số 1 sau màn đầu tư “tất tay" này.

MV Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp - Hoà Minzy

Ngoài Sơn Tùng, nhiều sao Việt cũng rất hào phóng đầu tư làm MV. Điển hình phải kể đến màn comeback khiến Hoà Minzy “rỗng túi" - MV Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp. Đây là cú hit đưa Hoà Minzy trở thành ngôi sao nổi bật nhất năm 2020. MV khắc hoạ hoàn hảo hình tượng Nam Phương Hoàng Hậu, là một trong những sản phẩm “bám theo lịch sử" được đánh giá cao nhất Vpop. Theo tiết lộ, Hoà Minzy đã tốn đến 5 tỷ cho gần 10 phút MV mang chất lượng điện ảnh.

quote3-17116821136261820755833.jpg

Những MV tiền tỷ phổ biến của nghệ sĩ Việt thường kéo theo cốt truyện phức tạp như phim. Có thời điểm, “điện ảnh hoá MV" trở thành trào lưu. Hương Giang gây sốt làng nhạc với series ADODDA có tận 4 chapter hay Chi Pu khiến khán giả thay đổi định kiến qua MV tái hiện câu chuyện Tấm Cám - Anh Ơi Ở Lại.

Những sản phẩm này đều mang về hàng chục đến hàng trăm triệu views, kéo theo những giá trị thương mại song hành, cho thấy đầu tư MV tiền tỷ là một mối hời đáng được quan tâm. Nhưng, trào lưu gì cũng đến hồi thoái trào.

t1-1-1711682074340966179512.jpg

Sau 2 năm ngưng trệ vì COVID-19, làng nhạc nhộn nhịp trở lại vào năm 2022 và chứng kiến những tài năng trẻ - ở thế hệ Z toả sáng. Nghệ sĩ Gen Z lớn lên trong thời đại internet lên ngôi đã sớm hoà mình trong “thế giới phẳng", nơi mà thông tin được tiếp cận một cách dễ dàng và không biên giới. Theo đó, lứa tuổi này phát triển bộ kỹ năng “full package", có thể tự sáng tác, tự biểu diễn và tự sản xuất.

Thay vì hình ảnh hào nhoáng, nghệ sĩ trẻ tập trung hơn vào câu chuyện âm nhạc. Cuộc đua MV tiền tỷ dần được thay thế bằng việc phát hành E.P/ Album concept nhờ sức ảnh hưởng của những nghệ sĩ Gen Z.

quote5-1711682074519969737605.jpg

Năm qua, nhạc Việt sôi động với “cơn bão album” đến từ loạt nghệ sĩ Gen Z như MCK, tlinh, Wren Evans, Obito, HIEUTHUHAI, MONO,... Trong số những nghệ sĩ này, MCK và Obito là 2 cái tên “đi ngược dòng" khi không phát hành bất kỳ MV nào để quảng bá. Cả hai tung full album lên các nền tảng streaming, bao gồm YouTube bằng định dạng audio video.

Hiệu ứng của 99%Đánh Đổi đã chứng minh một điều, chỉ cần nhạc hay, công chúng sẽ đón nhận. MCK và Obito đã chạm đến người yêu nhạc bằng chính câu chuyện của mình, chứ không phải là MV tiền tỷ.

quote6-17116820744921204099158.jpg

Hay như trường hợp của MONO với hit quốc dân Waiting For You. Ban đầu, MONO phát hành MV Quên Anh Đi “thơm mùi tiền" với những đại cảnh hoành tráng, CGI đắt đỏ. Nhưng Quên Anh Đi hoàn toàn không hiệu quả bằng audio của Waiting For You. Từ một track trong album 22, Waiting For You nhận được sự chú ý của fan nhạc bằng sức hút đến từ giai điệu. Bản audio thu về hơn 107 triệu lượt xem, ăn đứt cả phiên bản MV được phát hành sau đó, chỉ 10 triệu lượt xem.

MV Call Me - Wren Evans

Chi phí sản xuất MV cũng dần được nghệ sĩ tối giản. Wren Evans phát hành 3 MV cho album Loi Choi - bao gồm Việt Kiều, Call Me Từng Quen. Trong đó Call Me được đánh giá cao khi cả hình ảnh lẫn cốt truyện đều đáp ứng tiêu chuẩn làm phim. Những tưởng tiêu tốn nhiều chi phí, nhưng Wren Evans mất không đến 1 tỷ đồng để hoàn thiện MV này.

t1-2-1711682074324276435288.jpg

Trong đại chiến âm nhạc ngày 8/3 năm nay, fan nhạc chứng kiến hiện tượng lạ khi hai MV “đắt xắt ra miếng” của Sơn Tùng M-TP và Bích Phương gần như bị MV Haru Haru parody “đè bẹp” về hiệu ứng MXH. Haru Haru parody được thực hiện bởi MCK, JustaTee cùng các anh em chỉ tốn chưa đến 100 triệu chi phí sản xuất là sản phẩm được khen nhiều nhất.

MV Vụ Nổ Lớn - Không Quan Trọng (Haru Haru parody)

Chúng Ta Của Tương Lai là một MV đắt đỏ. Theo tiết lộ từ người trong ngành, Sơn Tùng tốn hơn 1 tỷ để sản xuất MV này. Dù đầu tư mạnh tay, Chúng Ta Của Tương Lai vẫn bị chê “kỹ xảo 3 xu", CGI “giả trân” như của quá khứ.

Nhiều MV tiền tỷ vẫn "mất hút" trên thị trường, hiệu ứng để lại không mấy ấn tượng. Điển hình như MV Heyyy của Soobin Hoàng Sơn có hình ảnh lung linh, nhưng cuối cùng thứ khán giả nhớ đến là đoạn điệp khúc bắt tai viral qua các video dance challenge. Đông Nhi thay đổi hình tượng với MV Ý Trời kết hợp cùng tài năng trẻ tlinh, vẫn "tàng hình" trong năm 2023.

quote9-1711682074399270160526.jpg

Thị trường phát triển, sản phẩm ngày càng chỉn chu như một lẽ tất yếu. Do đó, khi nghe đến chi phí khủng đầu tư làm MV, công chúng không còn choáng ngợp hay ngỡ ngàng như trước. Bên cạnh đó, TikTok “bành trướng" kéo theo nhiều phương thức quảng bá hơn, cụ thể là sáng tạo content thông qua video ngắn. Thị hiếu khán giả nhiều khi chỉ cần một đoạn điệp khúc catchy đủ để lên xu hướng.

Còn với những fan nhạc, các nền tảng streaming như Spotify, Apple Music hay iTunes lại là sự lựa chọn hữu ích hơn so với nền tảng xem video. Thậm chí bản thân YouTube cũng phải phát triển thêm platform phục vụ nhu cầu nghe nhạc là YouTube Music.

quote10-1711682074381686127316.jpg

Nói về khả năng MV bị thay thế trong bối cảnh streaming lên ngôi, Nhiếp ảnh gia - Creative Director V.H.T chia sẻ: “Tất cả trào lưu đều có thể bị thay đổi nếu chúng ta có một cách truyền tải, một nền tảng hoặc một hình thái khác tốt hơn trong tương lai.

Tính tuần hoàn đặc thù của ngành công nghiệp giải trí cũng là một tài liệu hay để nghệ sĩ cùng ekip của mình có thể nghiên cứu và đưa ra chiến lược phù hợp cho từng dự án của mình, đáp ứng đúng mục đích lan tỏa tác phẩm đến với nhiều khán giả nhất có thể.” Điều này cho thấy sự biến chuyển rõ rệt của thị trường âm nhạc ảnh hưởng đến thị trường sản xuất video nhiều đến thế nào.

quote11-1711682074370875747463.jpg

Chúng ta không còn đọ nhau bằng những MV tiền tỷ. Khán giả cảm nhận câu chuyện âm nhạc nhiều hơn là những thước phim xa xỉ. Không thể phủ nhận, MV là một phương thức truyền đạt hiệu quả. Những ngành công nghiệp âm nhạc lớn như Mỹ, Hàn Quốc,... vẫn coi MV là một mối đầu tư không thể bỏ qua. Việt Nam đã bắt sóng và phát triển đến trình độ tiệm cận quốc tế. Đây là một tín hiệu tốt.

Các nghệ sĩ hiện tại không còn quá áp lực về chuyện phải đầu tư làm MV bằng mọi giá. Không cần MV tiền tỷ, khán giả vẫn được trải nghiệm sản phẩm chất lượng qua visualizer hay lyrics video đơn giản mà hiệu quả. Tiền ít hay tiền nhiều phụ thuộc vào sức chi của nghệ sĩ. Cân chỉnh hợp lý các yếu tố, khán giả sẽ là những người được thụ hưởng sản phẩm chất lượng cả phần nghe lẫn phần nhìn.

quote12-17116820743531361350679.jpg

Nhiếp ảnh gia - Creative Director V.H.T cũng có đánh giá sát sao về thị trường hiện tại: “Mỗi nghệ sĩ và ekip có lượng ngân sách nhất định cho từng dự án mà họ sẽ phát hành. Không cần đến MV tiền tỷ, nhiều nghệ sĩ đầu tư vào các live stage, concert hay fanmeeting. Có thể nói xu hướng sau dịch bệnh đã thay đổi, nghệ sĩ muốn được gần với khán giả của mình hơn, tập trung đầu tư sự sáng tạo vào việc làm nhạc và làm hình ảnh đề cao cái tôi cá nhân hơn là đặt ra bài toán giật tít về chi phí sản xuất dự án để gây chú ý.

Tôi đánh giá cao những sáng tạo bùng nổ mà chúng ta đang chứng kiến mỗi ngày trên đường đua nghệ thuật giải trí. Tôi tin rằng điều này thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí đến đích, nơi mà chúng ta sẽ thoả mãn với hình ảnh hòa hợp cùng âm nhạc. Chúng ta đang tiệm cận với thế giới, nơi các sản phẩm chất lượng cao của các nền công nghiệp giải trí lớn như Mỹ hay Hàn Quốc không đặt vấn đề chi phí lên làm vấn đề đầu tiên cần quan tâm.”

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022