GĐXH - Hoa hậu Kỳ Duyên thông báo tin vui khi kêu gọi thành công thêm 5 ngôi trường cho các trẻ em vùng cao; Giá vàng miếng và vàng nhẫn trong nước tiếp đà giảm mạnh.
Cô gái trèo lên nóc chụp ảnh sống ảo phản cảm, Bảo tàng Lịch sử quân sự nói gì?
Hình ảnh cô gái ngang nhiên trèo lên nóc bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để sống ảo. (Ảnh: Chụp màn hình)
Tối 12/11, đại diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đơn vị đã nắm được vụ việc người trèo lên nóc bảo tàng để quay phim, chụp ảnh.
Theo vị đại diện, hiện tất cả các lối lên không thuộc khu vực mở cửa trưng bày được chăng dây, đặt rào chắn và có biển thông báo "Không phận sự miễn vào".
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang làm việc với các cơ quan chức năng, nhà thầu để ngăn các lối ra, vào phía trên tầng 2, ngăn người dân trèo lên quay phim, chụp ảnh.
Trước đó, mạng xã hội lan truyền bài đăng kèm clip ghi lại hình ảnh một cô gái đang tạo dáng, nhảy để quay phim, chụp hình khiến nhiều người ngán ngẩm. Đoạn clip dài 8 giây nhận nhiều ý kiến thắc mắc, bức xúc cũng như yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp này.
Cuối tuần qua, lượng khách đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự đông kỷ lục, nhiều khách tham quan không tuân thủ quy định, xâm phạm hiện vật, gây bức xúc.
Trên mạng xã hội cũng xuất hiện không ít những hình ảnh nhiều bậc cha mẹ để con trẻ vô tư leo trèo lên xe tăng, máy bay, tranh nhau ôm súng hay chạy nhảy trên các mô hình sa bàn lịch sử. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn khuyến khích trẻ leo trèo lên xe tăng, máy bay chỉ để có những bức hình độc đáo.
"Do các hiện vật tại phòng trưng bày bảo tàng ở không gian mở, không có dây ngăn cách nên nhiều người ngang nhiên leo trèo, bám, tựa vào hiện vật. Bảo tàng liên tục phát loa nhắc nhở khách tham quan không được sờ, leo trèo lên hiện vật nhưng vô ích", chị Khánh Linh (ở Hà Đông, Hà Nội) cho hay.
Thời điểm cuối tuần, khu trưng bày cũng như các không gian tại bảo tàng gần như quá tải do lượng khách tham quan đông. Mặc dù nhân viên bảo tàng liên tục phát thông báo các gia đình có trẻ nhỏ nhắc nhở không leo trèo, chạy nhảy lên các hiện vật, nhưng dường như không nhiều người chú ý đến thông báo này để thay đổi hành vi của con.
"Tôi rất mong các gia đình khi đưa trẻ đến tham quan bảo tàng nhắc nhở các con không đùa nghịch để tránh làm hỏng hiện vật", anh Duy Cường (ở Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Thực hư thông tin phó chủ tịch huyện cho con 600 công đất làm của hồi môn
Trong clip được chia sẻ trên mạng xã hội, người vợ nói rằng cho con gái 600 công đất trị giá 90 tỷ đồng làm của hồi môn. Tuy nhiên sau đó, người chồng là Phó chủ tịch UBND huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang khẳng định vợ "nói nhầm".
Trên mạng xã hội mới đây xuất hiện đoạn clip ngắn về việc cho của hồi môn trong một đám hỏi tại miền Tây.
Theo nội dung được ghi lại trong đoạn clip, người phụ nữ - được cho là mẹ cô dâu - đã dành tặng đôi vợ chồng trẻ hàng trăm công đất cùng trang sức trị giá lên đến cả chục tỷ đồng.
"Trước mắt, ba mẹ trao cho con 2 chiếc nhẫn. Khi đám cưới xong, ba mẹ sẽ cho thêm 600 công đất (60ha), nếu bây giờ mà bán trị giá 90 tỷ đồng…" - người mẹ nói.
Cuối clip, người mẹ lần nữa nhắc lại trị giá của 600 công đất nói trên. Nhận được món quà lớn của đấng sinh thành, cô dâu và chú rể cúi đầu cảm ơn.
Đoạn clip nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, các tài khoản đăng tải thông tin này sau đó đã gỡ bài viết.
Theo tìm hiểu, nhân vật trong clip nói trên là vợ chồng ông Bùi Văn Mến - Phó chủ tịch UBND huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Mến cho biết tại đám hỏi của con gái được tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua, vợ ông đã "nói nhầm".
"Vợ tôi nói nhầm 60 công (6ha) thành 600 công đất. Đất ruộng ở nông thôn chỉ trên dưới 100 triệu đồng/công, nên 60 công đất trị giá khoảng 8-9 tỷ đồng" - ông Mến chia sẻ.
Ông Mến cho biết thêm vì vợ "nói nhầm" nên ngay sau đó, ông đã đính chính với quan viên 2 họ.
"Trong bảng kê khai tài sản, tôi đã kê khai gia đình có mấy ha đất và dự kiến cho nó (con gái - PV). Đất này do ông bà khai phá thời kỳ trước, vợ chồng tôi được thừa hưởng từ 2 bên, mỗi bên một ít. Toàn bộ sự việc tôi đã báo cáo và đính chính thông tin với cơ quan" - Phó chủ tịch UBND huyện Giang Thành lý giải.
Trong khi đó, ông Trần Văn Dự - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy - cho biết "Ủy ban kiểm tra đang làm việc với ông Mến và sẽ thông tin sau".
Không hạ chuẩn, giáo viên dạy lái xe phải có bằng trung cấp
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, trong đó giữ nguyên tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy thực hành phải có bằng trung cấp.
Trong đó, dự thảo Nghị định giữ nguyên quy định hiện hành về tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy thực hành lái xe thay vì hạ chuẩn (chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 - PV) như dự thảo lấy ý kiến hồi tháng 9/2023.
Cụ thể, giáo viên dạy thực hành lái xe phải có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề trở lên, có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo.
Giáo viên dạy các hạng B, C1 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 3 năm trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép lái xe.
Giáo viên dạy các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp giấy phép lái xe.
Ngoài ra, giáo viên dạy thực hành lái xe phải có một trong các văn bằng, chứng chỉ về trình độ nghiệp vụ sư phạm: cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, sư phạm, sư phạm kỹ thuật, trung cấp sư phạm hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1, bậc 2 hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp.
Đồng thời, những giáo viên này đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình khung quy định.
Hoàn toàn ủng hộ quy định này, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe cho rằng việc này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Giáo viên có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao sẽ giúp cho học viên học tập và rèn luyện kỹ năng lái xe tốt hơn.
Cục Đường bộ Việt Nam (đơn vị được Bộ GTVT giao chủ trì soạn thảo Nghị định) cho biết, theo kế hoạch, nghị định sẽ được ban hành trong tháng 11.
Phạt tiền tài xế ô tô Land Cruiser sửa biển số đi trên cao tốc
Hình ảnh ô tô dán băng dính che biển số bị người dân phản ánh đến cơ quan chức năng. (Ảnh: CACC)
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 (Đội 4, Phòng 6) đã lập biên bản xử phạt hành chính với tài xế lái ô tô Land Cruiser có hành vi dán băng dính che biển số đi trên cao tốc.
Cụ thể, chiều 12/11, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng về trường hợp ô tô Land Cruiser đi trên cao tốc (đoạn từ Hà Tĩnh về Hà Nội) chạy ẩu, chuyển làn đường không xi nhan, tạt đầu các phương tiện khác... Phương tiện này còn dùng băng dính đen để sửa BKS từ 30L - X45.45 thành 30L - 845.45.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 cử cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng xác minh vụ việc; đồng thời, mời chủ phương tiện đến trụ sở Đội để làm rõ hành vi che biển kiểm soát.
Cảnh sát xác định, chủ phương tiện là P.H.P. (trú tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).
Tại cơ quan công an, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông P.H.P. Với lỗi vi phạm điều khiển xe gắn biển số bị che lấp, ông P. sẽ bị xử phạt tiền từ 4 tới 6 triệu đồng.
Xử lý cô gái hoang báo bị cướp táo tợn ở Đà Lạt
U. bán chiếc điện thoại của mình tại một cửa hàng rồi sau đó hoang báo bị cướp.
Ngày 13-11, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang củng cố hồ sơ để xử lý việc N.N.U. (20 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) về việc hoang báo mình bị cướp.
Theo thông tin ban đầu, tối 9-11, U. đến Công an xã Xuân Thọ báo tin, trên đường từ TP Đà Lạt về xã Xuân Trường ngang qua thôn Đa Thọ (xã Xuân Thọ) thì bị 3 người lạ mặt chặn đường, uy hiếp và cướp điện thoại cùng 5,8 triệu đồng.
Vào cuộc điều tra, Công an TP Đà Lạt rà soát các khu vực có nghi vấn cũng như nhận thấy một số biểu hiện "lạ" của nạn nhân báo tin. Sau những chứng cứ đưa ra, U. thừa nhận việc mình bị 3 người chặn đường cướp là giả.
Cô gái này thừa nhận tối 9-11, trên đường từ TP Đà Lạt về nhà ở xã Xuân Trường thì bị ngã xe, vỡ màn hình điện thoại. Sợ gia đình la mắng, U. mang chiếc điện thoại vào bán ở một cửa hàng ở phường 2, TP Đà Lạt rồi hoang báo vụ việc như trên.
Bước nhảy hoàn vũ 2024 lên sóng VTV3 khi nào?
Diễn viên Phương Oanh là một trong những thí sinh của Bước nhảy hoàn vũ 2024.
Bước nhảy hoàn vũ là chương trình truyền hình về khiêu vũ thể thao nghệ thuật từng rất được yêu thích tại Việt Nam. Sau 8 năm vắng bóng, chương trình quay trở lại với một phiên bản hoàn toàn mới, quy tụ những người đẹp đến từ hai quốc gia. Về phía Việt Nam đó là: Diễn viên Phương Oanh; Diễn viên - ca sĩ Trương Quỳnh Anh; Diễn viên Quỳnh Nga; Ca sĩ - vũ công Phạm Lịch; Miss Grand Vietnam 2023 - Á hậu 4 Miss Grand International 2023 Lê Hoàng Phương; Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2022 - Á hậu 2 Hoa hậu Liên lục địa 2023 Ngọc Hằng; Top 5 Miss Universe Vietnam 2023 Emma Lê; Top 10 Miss Grand Vietnam 2022 Chu Lê Vi Anh.
Cùng với đó là các thí sinh đến từ Hàn Quốc, bao gồm: MC - BTV - người chơi trong chương trình Đảo thiên đường Hooyeon; Ca sĩ Shinju; Miss Busan 2023 - người chơi Địa ngục độc thân mùa 3 Minyoung và Á hậu 2 Miss Korea 2017 Soo Yeon.
Bước nhảy hoàn vũ 2024 hứa hẹn mang tới sự thay đổi toàn diện từ format, ý tưởng đến hình thức sản xuất theo hướng một chương trình truyền hình thực tế sống còn. Những người chơi trong giai đoạn đầu có thể bị loại bất cứ lúc nào theo những yêu cầu của chương trình và sẽ xuất hiện thêm người chơi mới thay thế.
Đồng hành với chương trình trong vai trò giám khảo là những gương mặt quen thuộc như các kiện tướng dancesport Khánh Thi, Chí Anh, Á quân mùa thi đầu tiên Đoan Trang, Quán quân mùa thi năm 2016 S.T Sơn Thạch.