tin-tiktoker-pho-duc-nam1-17335019664052101353459-0-13-453-738-crop-17335019741881978427578.jpgTin sáng 7/12: Thời điểm miền Bắc đón không khí lạnh gây mưa rét diện rộng; TikToker Mr Pips bị khởi tố vì tội gì?

GĐXH - Từ ngày 7/12, không khí lạnh được tăng cường mạnh, miền Bắc và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét kèm mưa; tiktoker nổi tiếng với hàng trăm nghìn lượt theo dõi Mr Pips (tức Phó Đức Nam) và hơn 20 người khác vừa bị khởi tố về hành vi lừa đảo.

Những điểm mới đáng chú ý về các kỳ thi riêng xét tuyển đại học 2025

ky-thi-rieng-dai-hoc-1-1733499169978793557122-1733538042983-17335380438661383320632.jpeg

Thí sinh thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2024.

Ghi nhận từ mùa tuyển sinh năm 2024, số lượng cơ sở giáo dục đại học tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ nhu cầu tuyển sinh tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều trường có xu hướng tăng chỉ tiêu xét kết quả kỳ thi riêng để tuyển sinh đầu vào. Năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT bước vào năm đầu tiên thực hiện theo phương án mới, vì vậy các kỳ thi riêng cũng đã được các cơ sở giáo dục đại học lên phương án đổi mới hơn.

Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội:

Năm 2025 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có những điểm mới gồm: cấu trúc đề thi mới (phần khoa học hoặc ngoại ngữ); số lượng câu hỏi và cách đặt câu hỏi trong mỗi chủ đề; câu hỏi gắn với tình huống thực tiễn, tác phẩm ngoài SGK; câu hỏi chùm xuất hiện trong tất cả các phần thi; thí sinh được lựa chọn phần thi thứ ba; điều chỉnh lịch thí sinh đăng ký dự thi lần đầu để giảm nghẽn mạng như năm ngoái. Câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực có khoảng 75% là câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và 25% câu hỏi điền đáp án.

Nếu năm ngoái, câu hỏi chùm chỉ xuất hiện ở phần thi ngôn ngữ, từ năm 2025, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao. Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực. Đây là những thay đổi về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực. Đặc biệt năm 2025, câu hỏi trong đề thi sẽ không sắp xếp từ dễ đến khó mà được xáo trộn một cách ngẫu nhiên theo ma trận cố định.

Kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách Khoa Hà Nội: 

Năm 2025, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có từ 3-4 kíp thi tại 30 điểm. Cụ thể, Đợt 1 thi ngày 18 - 19/1/2025; ngày mở đăng ký 1 - 6/12/2024. Đợt 2 thi ngày 8 - 9/3/2025; ngày mở đăng ký 1 - 6/2/2025. Đợt 3 thi ngày 26 - 27/4/2025; ngày mở đăng ký 1 - 6/4/2025. So với năm ngoái, năm 2025 ĐH Bách Khoa Hà Nội giảm 3 đợt thi.

Ngoài các điểm thi trước đây, năm 2025, ĐH Bách khoa Hà Nội mở thêm điểm thi mới để hỗ trợ các em học sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc (điểm thi tại tỉnh Lào Cai). Kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thi với 3 đợt thi. Hệ thống đăng ký thi tại: https://tsa.hust.edu.vn Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội gồm 3 phần: Tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề. Đây là 3 phần thi độc lập.

Kỳ thi đánh giá năng lực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: 

Công bố mới nhất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 diễn ra ngày 17-18/5/2025. Công bố điểm thi trước 15/6/2025. Đặc biệt, điểm mới từ năm 2026, dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ bổ sung các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Thời gian đăng ký dự thi: Từ ngày 15/3 đến ngày 15/4/2025 tại một trong bốn điểm thi: Trường ĐHSP Hà Nội; Trường ĐH Vinh; Trường ĐH Quy Nhơn; Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng.

Thí sinh được đăng ký thi các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học. Mỗi trường đại học quy định số lượng và tổ hợp môn thi khác nhau để lấy kết quả thi, xét tuyển vào các ngành đào tạo. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để đăng kí đúng và đủ số môn thi, phù hợp với nguyện vọng xét tuyển.

Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM: 

Đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP HCM năm 2025 vẫn gồm 120 câu trắc nghiệm, nhưng được điều chỉnh để phù hợp với chương trình mới. Bài thi có ba phần. Phần Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề ở các năm trước được gộp lại thành "Tư duy khoa học" với 30 câu trắc nghiệm. Câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, từ đó yêu cầu thí sinh vận dụng, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật...

Phần Sử dụng ngôn ngữ gồm Tiếng Việt và Tiếng Anh với 60 câu hỏi thay vì 40 câu như trước. Cuối cùng là phần Toán học với 30 câu. Tổng cộng, đề gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Thí sinh làm bài trên giấy trong 150 phút. Điểm của từng câu có trọng số khác nhau, tùy thuộc vào độ khó, tổng điểm là 1.200. Trong đó, Tư duy khoa học và Toán học mỗi phần 300 điểm, Sử dụng ngôn ngữ 600 điểm.

Theo Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP HCM, cấu trúc và nội dung đề thi đánh giá năng lực năm 2025 có nhiều nét tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế như SAT (Mỹ), PET (Israel) hay GAT (Thái Lan). Năm 2025, kỳ thi diễn ra trong hai đợt, vào ngày 30/3 và 1/6.

Kỳ thi đánh giá năng lực Trường Đại học Sư phạm TP.HCM: 

Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực tại TP.HCM, Long An, Đà Nẵng, Gia Lai. Kỳ thi sẽ gồm 6 bài thi độc lập: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Trong đó, đề thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học gồm 40 câu, chia thành ba phần, thay vì 50 câu với hai phần như trước đây.

Với môn Ngữ văn, đề gồm 22 câu ở ba phần: đọc hiểu (trắc nghiệm); viết đoạn văn ngắn; bài luận. Phần viết đoạn văn ngắn là nội dung mới so với đề các năm trước. Với môn tiếng Anh, cấu trúc đề thi giữ nguyên, gồm bốn phần nghe, nói, đọc, viết. Ngữ liệu được lấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nội dung đề sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó phần kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 70-80%, còn lại là kiến thức lớp 10, 11.

Kỳ thi đánh giá của các học viện, trường Công an Nhân dân: 

Theo Bộ Công an, tuyển sinh đại học chính quy tuyển mới vào các trường Công an nhân dân (CAND) thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của Bộ Công an. Trong các năm gần đây (2022, 2023, 2024), nhóm các học viện, trường đại học CAND tổ chức kỳ thi đánh giá để tuyển sinh tuyển mới trình độ đại học trong CAND.

Trong các kỳ thi đánh giá của các học viện, trường CAND có sự ổn định hằng năm về phương thức tuyển sinh, cách thức tính điểm, dạng thức và cấu trúc đề thi để thí sinh chủ động ôn tập. Kiến thức trong đề thi của kỳ thi đánh giá của các học viện, trường CAND không nằm ngoài kiến thức trung học phổ thông các thí sinh được học tập.

Trong năm 2025, Bộ Công an sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong CAND bám sát chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, thực hiện theo đúng các hướng dẫn và quy định trong tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT để tổ chức tuyển sinh tuyển mới trình độ đại học trong các học viện, trường CAND.

Thí sinh có nhu cầu đăng ký dự tuyển vào các trường CAND cần chủ động ôn tập theo chương trình trung học phổ thông đã đăng ký học tập, Bộ Công an sẽ có công bố phương án tổ chức tuyển sinh vào các học viện, trường CAND trong thời gian tới.

Bị lừa cài app điện lực giả, hàng trăm triệu đồng trong tài khoản mất sạch

2-1733545236055911861193-1733556034394-17335560349781154651511.jpg

Hình minh họa

Ngày 7-12, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) phát đi thông báo cảnh báo về việc các đối tượng giả danh nhân viên điện lực để gọi điện yêu cầu khách hàng kết bạn qua Zalo và hướng dẫn cài đặt lại app điện lực giả để thanh toán tiền điện. Chúng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng qua các đường link gửi kèm. Việc này đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Hàng trăm triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của khách hàng tại miền Trung – Tây Nguyên đã bị mất sạch chỉ vì làm theo hướng dẫn của kẻ giả danh nhân viên điện lực. Chỉ trong nửa tháng qua, đã có 4 trường hợp bị lừa đảo, trong đó có khách hàng bị mất gần 350 triệu đồng.

Cụ thể, sáng 24-11, anh T.S. - ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - tá hỏa phát hiện toàn bộ số tiền trên 230 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình bị mất sạch chỉ sau vài thao tác khai báo đơn giản. S. cho biết vào cuối tuần, trong lúc bận việc, anh nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên điện lực, yêu cầu thanh toán tiền điện tháng 10. Do S. chưa thanh toán tiền điện, đối tượng này gợi ý anh kết bạn qua Zalo và gửi đường link cài app điện lực giả để thanh toán. Tin lời, anh S. cài app và nhập thông tin tài khoản ngân hàng của mình. Ngay sau khi hoàn tất khai báo, toàn bộ số tiền trong tài khoản của anh đã bị mất.

Mới đây, vào chiều 27-11, chị M.T. - ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - cũng nhận được cuộc gọi từ kẻ giả danh nhân viên điện lực, yêu cầu tải app mới để theo dõi và thanh toán tiền điện. Sau khi tải app và nhập thông tin tài khoản ngân hàng, chị phát hiện tiền trong tài khoản mất sạch. Khi chị gọi đến tổng đài Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung đề nghị hỗ trợ thông tin, nhân viên cảnh báo đây là cuộc gọi giả mạo và tình trạng lừa đảo đang diễn ra phổ biến.

Trước đó, vào ngày 10 và 13-11, tại Đắk Lắk cũng xảy ra 2 trường hợp tương tự. Trong đó, một khách hàng bị mất 341 triệu đồng sau khi làm theo yêu cầu của kẻ giả danh nhân viên điện lực. Chị A. - thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo - nhận cuộc gọi yêu cầu thanh toán tiền điện và kết bạn qua Zalo. Sau khi tải app giống giao diện của app EVNCPC và làm theo hướng dẫn, chị phát hiện tài khoản của mình bị rút 341 triệu đồng. Một trường hợp khác tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar cũng bị mất hơn 23 triệu đồng do thủ đoạn lừa đảo tương tự.

Ông Lê Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung, cho biết chỉ trong tháng 11, đã có tới 254 cuộc gọi từ khách hàng ở miền Trung - Tây Nguyên gọi đến tổng đài 19001909 phản ánh về tình trạng giả danh nhân viên điện lực. Các đối tượng này thường yêu cầu khách hàng làm theo các bước như tải app giả mạo, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của chúng…

Ông Tường khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tại miền Trung - Tây Nguyên chỉ tải app EVNCPC CSKH từ Google Play (hệ điều hành Android) hoặc App Store (hệ điều hành iOS) theo hướng dẫn tại https://cskh.cpc.vn/cham-soc-khach-hang. Khách hàng nên cảnh giác tuyệt đối, không đăng nhập các đường link và app giả mạo qua điện thoại hay các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook.

Khách hàng tuyệt đối không nên thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc tài khoản của doanh nghiệp khi chưa được xác minh. Nếu nhận được cuộc gọi nghi ngờ là mạo danh nhân viên điện lực, khách hàng nên gọi ngay tới Tổng đài Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Trung qua số 19001909 để được hỗ trợ kịp thời.

Hà Nội thông báo lịch nghỉ Tết Ất Tỵ và các ngày lễ lớn năm 2025

UBND TP Hà Nội vừa có thông báo lịch nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2025.

Theo đó, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nghỉ Tết Âm lịch năm 2025 trong 9 ngày liên tục từ thứ bảy ngày 25/1 đến hết chủ nhật ngày 2/2 (tức từ ngày 26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).

Công chức, viên chức ở Hà Nội được nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025 trong 4 ngày liên tục từ ngày 30/8 (thứ bảy) đến hết ngày 2/9 (thứ ba).

Ngoài ra, công chức, viên chức ở Hà Nội được nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 trong 5 ngày liên tục từ thứ tư ngày 30/4 đến hết chủ nhật ngày 4/5 (làm bù vào thứ bảy ngày 26/4). Công chức, viên chức được hoán đổi ngày làm việc từ thứ sáu ngày 2/5 sang thứ bảy ngày 26/4.

Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ thực tế của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Theo UBND TP Hà Nội, người lao động không thuộc đối tượng tại các quy định trên thì căn cứ điều kiện thực tế, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ cho người lao động theo khoản 7 thông báo số 6150 ngày 3/12 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phải đảm bảo thời gian nghỉ Tết Âm lịch 5 ngày liên tục và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025 trong 2 ngày liên tục cho người lao động, UBND TP Hà Nội lưu ý.

Bên cạnh đó, Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Nếu ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ Luật Lao động thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ Luật Lao động, theo UBND TP Hà Nội.

Hà Nội cũng khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.

Bộ GD&ĐT buông lỏng quản lý trong liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ

Thanh tra Chính phủ nhận định, Bộ GD&ĐT buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài.

Nôi dung trên được đề cập tại kết luận thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Thanh tra Chính phủ ban hành.

Theo kết luận thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã buông lỏng công tác quản lý, để xảy ra sai phạm trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài diễn ra kéo dài, nhưng chưa kịp thời có biện pháp để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý, gây dư luận xã hội bức xúc.

Cụ thể, nhiều đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép theo quy định tại Nghị định số 86/2018 của Chính phủ về quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Thanh tra Chính phủ xác định, quá trình đó diễn ra khi giải quyết thủ tục hành chính "Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài" trước thời điểm Thông tư số 11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, có hiệu lực (tháng 8/2018 đến tháng 9/2022).

Theo Thanh tra Chính phủ, quy định về hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài tại Nghị định số 86/2018 còn một số nội dung chưa cụ thể, như: Không giải thích từ ngữ về "hoạt động liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài" và "hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài".

Bên cạnh đó, quy định, hướng dẫn tại Nghị định số 86/2018 chưa cụ thể về điều kiện "minh chứng việc bảo đảm chất lượng tổ chức thi" cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, trong khi Luật Đầu tư năm 2020 quy định hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện...

Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thẩm quyền rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung, khắc phục một số sơ hở, bất cập của quy định pháp luật.

Trong đó, rà soát, đề xuất sửa đổi thủ tục hành chính "Phê duyệt liên kết tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài" tại Nghị định số 86/2018 theo hướng quy định cụ thể điều kiện để chứng minh việc đảm bảo chất lượng tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; bổ sung quy định giải thích từ ngữ về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài phù hợp với Luật Đầu tư.

Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2018 như trên, rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thông tư thay thế Thông tư số 11/2022 cho phù hợp với thẩm quyền được giao cho Bộ trưởng; không làm phát sinh yêu cầu, điều kiện có nguy cơ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính "Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài".

Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo rà soát, thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả (nếu có) đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực liên kết tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia thi cấp chứng chỉ.

Về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ đặc biệt lưu ý trong thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 9/2022 - từ thời điểm Nghị định số 86/2018 có hiệu lực đến trước thời điểm Thông tư số 11/2022 có hiệu lực.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng được yêu cầu chấn chỉnh công tác phê duyệt hoạt động liên kết tổ chức thi chứng chỉ, đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan, công khai, minh bạch, không phát sinh tiêu cực, bức xúc trong xã hội.

'Nhà đầu tư tài chính' Mr. Hunter và Mr Pips vừa bị khởi tố là ai?

hunter-pips-11125557-1733564332655-1733564333355396815351.jpg

Lê Khắc Ngọ, tức Tiktoker Mr Hunter (bên trái) và Phó Đức Nam, tức Tiktoker Mr Pips (bên phải).

Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đang phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội mở rộng điều tra đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Tổng số tài sản cơ quan điều tra thu giữ và phong tỏa đến nay là khoảng hơn 5.000 tỷ đồng. Lực lượng chức năng cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam (Tiktoker Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ (Tiktoker Mr Hunter).

Mr. Hunter, tức Lê Khắc Ngọ (sinh năm 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), là cái tên có phần quen thuộc trong giới đầu tư tài chính. Người này xây dựng hình ảnh một nhà đầu tư tự do thành công với hơn 13 năm kinh nghiệm "chinh chiến trên thị trường". Ngọ từng kể mình khởi nghiệp với số nợ hơn 2 tỷ đồng ở độ tuổi 20 và sau đó trở thành nhà cố vấn tài chính nổi tiếng.

Còn Mr. Pips là Phó Đức Nam (sinh năm 1994, trú tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nổi tiếng trên nhiều nền tảng mạng xã hội với những video "flex" nhà cửa, xe cộ và đồng hồ sang trọng. Đặc biệt trên TikTok, người này còn được biết đến như một chuyên gia về đầu tư tài chính với nhiều clip triệu view hướng dẫn đầu tư.

Để tạo dựng hình ảnh "truyền cảm hứng" nhưng thực chất là lôi kéo các nhà đầu tư tham gia hội nhóm, Ngọ kể câu chuyện mình "đứng dậy sau khi vấp ngã", từ chỗ nợ hơn 2 tỷ ở độ tuổi 20 đã trở thành nhà cố vấn tài chính nổi tiếng.

Lê Khắc Ngọ bán các khóa học về đầu tư, thu hút nhiều người tham gia các đội nhóm. TikToker này cũng được giới thiệu là nhà cố vấn phát triển cho các công ty môi giới và quỹ đầu tư quốc tế tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam. Sau khi Ngọ bị khởi tố, nhiều người mới "vỡ lẽ" về những chiêu trò lừa đảo.

Trong khi đó, Mr. Pips thường xuyên chia sẻ về việc nuôi mộng xây dựng cộng đồng đầu tư tài chính ở Việt Nam và giúp đỡ mọi người có thêm kiến thức trong đầu tư.

Kết quả điều tra của Công an TP Hà Nội bước đầu xác định, tháng 6/2019, Phó Đức Nam (Mr. Pips) cấu kết với Lê Khắc Ngọ (Mr. Hunter) lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán. Nhóm lừa đảo núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực tele maketing, tele sale, tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán... để dụ dỗ, lôi kéo người tham gia.

Cơ quan tố tụng xác định, Phó Đức Nam cùng đồng phạm sử dụng nhiều tài khoản công ty "ma", ví điện tử nhận tiền của khách hàng, dụ dỗ họ vào những nhóm chat riêng, hướng dẫn nạp tiền, rút tiền thành thạo để tạo niềm tin, sau đó tư vấn cho họ đánh các lệnh lớn, kích thích nạp thêm tiền, sử dụng đòn bẩy tiền vay để nạn nhân nhanh chóng "cháy tài khoản" (thua hết tiền).

Khi đó, những kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục mời bị hại tham gia một sàn mới với những lời mời chào, giới thiệu hấp dẫn hơn, cam kết sẽ thắng lại số tiền đã mất.

Phó Đức Nam cùng Lê Khắc Ngọ thành lập nhiều bộ phận khác nhau (bộ phận IT, bộ phận Support, bộ phận hành chính, bộ phận an ninh…) và đào tạo bài bản trong hệ thống. Đặc biệt, các hội nhóm đầu tư tài chính mà Phó Đức Nam cùng đồng phạm lập ra đã thu hút gần 20.000 người tham gia.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của nhóm lừa đảo, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa tài sản với tổng trị giá hơn 5.000 tỷ đồng, gồm: 127 tỷ đồng tiền mặt, các sổ tiết kiệm khoảng 306 tỷ đồng, 216kg vàng, 128 bất động sản, 30 ô tô các loại, 9 tỷ đồng trái phiếu và nhiều tài sản có giá trị khác.

Nam bệnh nhân 42 tuổi chết não hiến tạng cứu nhiều người sau vụ tai nạn cầu thang

Ngày 7/12, Bệnh viện Thanh Nhàn vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy tạng của nam bệnh nhân 42 tuổi, ở Hà Nội trong tình cảnh vô cùng nhân văn và cảm động.

Theo người nhà bệnh nhân, trong quá trình di chuyển trong gia đình, bệnh nhân bị ngã cầu thang gây chấn thương sọ não nặng. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay nhưng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân vẫn không khả quan, sau nhiều lần đánh giá các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đã bị chết não.

PGS TS Đào Quang Minh – Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân rất khó để lấy tạng, nhưng kíp hồi sức của BV Thanh Nhàn đã tận dụng từng giây phút, khi chuyển tạng về các khoa xét nghiệm thấy các chỉ số tạng có xu hướng tốt lên.

Trong lúc phải đối mặt với nỗi đau mất mát, được sự vận động gia đình bệnh nhân đã quyết định hiến tạng bệnh nhân này để cứu sống nhiều người khác. Ngay sau đó, Bệnh viện Thanh Nhàn tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng và Bệnh viện Việt Đức phối hợp nhịp nhàng để lấy tạng bệnh nhân.

Được biết, các ca kíp và thủ tục tiến hành bắt đầu từ trưa 11h 25 phút, ngày 6/12 đến đêm muộn cùng ngày, tim, thận, gan của bệnh nhân đã được chuyển đến BV Việt Đức thực hiện ngay việc ghép cho bệnh nhân cần ghép.

PGS TS Đào Quang Minh – Giám đốc BV Thanh Nhàn, chia sẻ thêm, trước đó Phòng công tác xã hội của BV Thanh Nhàn và BV Việt Đức đã phối hợp nhịp nhàng, vận động giải thích cho người nhà bệnh nhân và người bệnh.

Người nhà đồng ý hiến các tạng của bệnh nhân, đây là việc làm ý nghĩa mang lại cuộc sống cho nhiều người.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022