
GĐHX - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 1/7, Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to kèm theo đó là nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất.
Khi nào miền Bắc hết mưa, chuyển sang nắng nóng?

Từ ngày 3/7, mưa lớn ở Bắc Bộ giảm dần.
Theo các chuyên gia dự báo, từ ngày 3/7, tình trạng mưa lớn diện rộng tại Bắc Bộ sẽ giảm dần. Tuy nhiên, trong các cơn dông, người dân vẫn cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h).
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, nguyên nhân của đợt mưa lớn này là do rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực miền Bắc có xu hướng hoạt động mạnh.
Ngoài ra, trên rãnh thấp có một vùng xoáy thấp nằm ở miền Bắc, hoạt động ở độ cao từ 3.000 - 5.000m. Vùng xoáy thấp cùng với tác động của rãnh thấp tạo ra lượng ẩm lớn ở miền Bắc gây mưa rất lớn cho khu vực này trong thời gian tới.
Theo ông Hưởng, tổng lượng mưa của đợt mưa dài ngày này lớn nhưng chia đều ra 5 ngày thì không quá lớn. Riêng một số nơi cục bộ có tổng lượng mưa có thể lên tới 500 mm thì so với đợt mưa đầu tháng 6 cũng không phải đặc biệt lớn.
Cơ quan khí tượng cũng cho biết, trưa 3/7, miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác theo từng đợt, cục bộ có mưa to đến rất to. Từ ngày 4/7, ban ngày trời nắng, chiều tối có mưa rào rải rác, vùng núi có thể xuất hiện mưa to. Dự báo từ khoảng 1-5/7, khu vực miền Trung có khả năng đón mưa lớn diện rộng, nhất là Thanh Hóa đến Huế.
Cảnh báo trào lưu khoe ảnh căn cước trên VNeID sau khi cập nhật địa chỉ mới

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Từ ngày 1/7/2025, cả nước chính thức chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp gồm tỉnh/thành phố và xã/phường/thị trấn, bỏ cấp quận và huyện. Đây là bước đi quan trọng trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính, hướng đến mục tiêu tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả hơn trong quản lý nhà nước.
Đồng thời, từ ngày 30/6, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đã cập nhật thông tin cá nhân mới cho người dân trên ứng dụng VNeID, bao gồm quê quán và địa chỉ thường trú theo địa giới hành chính mới.
Ngay sau thay đổi này, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu người dùng hào hứng chia sẻ ảnh chụp màn hình ứng dụng VNeID thể hiện thông tin địa chỉ mới, như một cách "khoe" rằng mình là công dân của đơn vị hành chính mới. Tuy nhiên, hành động tưởng chừng vô hại này lại ẩn chứa nhiều nguy cơ bảo mật nghiêm trọng.
Thói quen "khoe" giấy tờ cá nhân, mã vé, sao kê ngân hàng… vốn đã phổ biến nhiều năm qua trên mạng xã hội. Với việc VNeID ngày càng được tích hợp sâu vào đời sống số của công dân, hình ảnh ứng dụng này trở thành mục tiêu mới cho những người có ý đồ xấu. Trào lưu đăng ảnh cập nhật địa chỉ sau sáp nhập địa giới càng khiến nguy cơ lộ lọt thông tin tăng cao.
Đặc biệt, trong thời đại dữ liệu số trở thành tài sản có giá trị, việc để lộ thông tin cá nhân không khác gì tự 'mở cánh cửa nhà' cho kẻ gian tiếp cận. Không ít vụ lừa đảo hiện nay khởi nguồn từ việc nạn nhân bị khai thác thông tin cá nhân công khai trên Facebook, Zalo hoặc các nền tảng mạng xã hội khác.
Trên TTXVN, theo ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, việc người dùng hào hứng chia sẻ hình ảnh căn cước công dân lên mạng xã hội sau khi được cập nhật về nơi thường trú mới theo địa giới hành chính mới có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.
Với sự phát triển của công nghệ nhận diện hình ảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các hệ thống có thể tự động phân tích ảnh và thu thập thông tin từ hình ảnh, từ đó có được thông tin về địa chỉ, thậm chí cả số căn cước của người dùng nếu không che kỹ. Các dữ liệu này có thể được sử dụng để xây dựng hồ sơ cá nhân, phục vụ cho việc giả mạo, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc mạo danh làm các giấy tờ giả.
Ông Vũ Ngọc Sơn cũng khuyến cáo tuyệt đối không đăng ảnh căn cước, bằng lái, thẻ ngân hàng… lên mạng. Hãy che kỹ các thông tin như số căn cước, địa chỉ, mã QR. Đồng thời, nên kiểm tra kỹ các quyền riêng tư khi đăng bài và luôn cảnh giác với các liên hệ bất thường sau khi thông tin bị lộ lọt.
Câu chuyện về việc chia sẻ hình ảnh VNeID hay giấy tờ cá nhân lên mạng xã hội một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của ý thức bảo mật trong kỷ nguyên số. Một khoảnh khắc "khoe vui" trên mạng có thể để lại hậu quả dai dẳng, từ bị giả mạo danh tính đến lừa đảo trực tuyến qua các thủ đoạn công nghệ cao.
Chuyển đổi địa giới hành chính và cập nhật thông tin cá nhân là một phần của tiến trình hiện đại hóa quản lý nhà nước. Nhưng để thực sự bước vào kỷ nguyên số một cách an toàn, mỗi người dân cần trang bị cho mình kiến thức đúng đắn về bảo vệ thông tin cá nhân.
Từ 1/7, người dân được giảm lệ phí khi làm thẻ căn cước
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 64 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026, hàng loạt khoản phí, lệ phí trong nhiều lĩnh vực sẽ được giảm 50% so với mức thu quy định hiện hành.
Thông tư số 64 quy định, 46 nhóm phí, lệ phí được giảm 50% mức thu so với quy định trước đây. Đồng thời, một số khoản còn được miễn hoàn toàn như phí thẩm định cấp phép hoạt động điện lực trong trường hợp thay đổi địa chỉ trụ sở do sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo Bộ Tài chính, các khoản phí, lệ phí được giảm lần này bao phủ nhiều lĩnh vực, từ đăng ký kinh doanh, cấp phép ngân hàng, phòng cháy chữa cháy, đến thẩm định xây dựng, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay, lĩnh vực y tế, chứng khoán...
Đáng chú ý, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước được giảm 50%. Theo quy định hiện hành, cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước có mức lệ phí là 30.000 đồng/thẻ căn cước; cấp đổi thẻ căn cước là 50.000 đồng/thẻ căn cước; cấp lại thẻ căn cước 70.000 đồng/thẻ căn cước.
Từ ngày 1/7/2025, người dân chỉ phải đóng mức lệ phí 15.000 đồng khi cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước; 25.000 đồng khi cấp đổi thẻ căn cước và 35.000 đồng khi cấp lại thẻ căn cước.
Bên cạnh đó, mức thu lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng chỉ bằng 50% so với quy định tại Thông tư số 150/2016 của Bộ Tài chính. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp, phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng… cũng giảm 50%.
Thông tư 64 còn bổ sung giảm 50% hàng loạt khoản phí trong các lĩnh vực chuyên ngành. Cụ thể, xuất bản phẩm: Phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh, lệ phí nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; đăng ký mã số, mã vạch: phí sử dụng mã vạch nước ngoài, mã sản phẩm; đường thủy nội địa: phí trình báo, kiểm tra phương tiện vận tải đường thủy; sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; phòng cháy chữa cháy: phí thẩm định phương tiện, thiết bị phòng cháy chuyên dụng; công chứng, xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng...
Bộ Tài chính cho biết, với mức giảm và thời hạn áp dụng như trên, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng hơn 3.000 tỉ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là lần thứ 6 Bộ Tài chính ban hành thông tư giảm phí, lệ phí trong giai đoạn 2020 - 2025
Lưu ý khi tuyển sinh đầu cấp Hà Nội 2025-2026

Kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 sẽ diễn ra từ ngày 1/7 đến hết ngày 18/7.
Giữa bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương hai cấp vừa chính thức vận hành sau sắp xếp, nhiều phụ huynh không khỏi đặt ra những băn khoăn về công tác tuyển sinh năm nay.
Kỳ tuyển sinh năm nay sẽ kéo dài từ ngày 1/7 đến hết ngày 18/7. Thành phố tiếp tục duy trì ổn định hai hình thức đăng ký: Tuyển sinh trực tuyến và tuyển sinh trực tiếp. Tuyển sinh trực tuyến được ưu tiên triển khai trước, từ ngày 1/7 đến hết ngày 9/7.
Lịch cụ thể như sau: Học sinh vào lớp 1 đăng ký từ ngày 1/7 đến 3/7; trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo từ ngày 4/7 đến 6/7; học sinh vào lớp 6 từ ngày 7/7 đến 9/7. Phụ huynh có thể thực hiện đăng ký dễ dàng tại Cổng thông tin tuyển sinh đầu cấp TP. Hà Nội: https://tsdaucap.hanoi.gov.vn/. Trong trường hợp phụ huynh chưa kịp đăng ký trực tuyến, cổng sẽ mở cửa cho đăng ký trực tiếp tại trường từ ngày 12/7 đến hết ngày 18/7.
Hà Nội cũng sẽ tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển theo đúng tuyến tuyển sinh do UBND các quận, huyện, thị xã quy định. Nguyên tắc chung là đảm bảo mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập đều được đến trường, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân sinh sống tại từng địa bàn.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Dù bộ máy chính quyền địa phương chính thức chuyển sang mô hình mới, ngành Giáo dục Thủ đô vẫn kiên định cam kết giữ nguyên toàn bộ phương án tuyển sinh. Điều này bao gồm sự ổn định về thời gian, phương thức cũng như toàn bộ quy định liên quan đến tuyển sinh năm học 2025-2026, nhằm tránh tình trạng xáo trộn hay gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh. Các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố đã được yêu cầu hoàn tất công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, từ cơ sở vật chất, nhân lực đến hệ thống công nghệ, sẵn sàng đáp ứng mọi điều kiện cho việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo rõ ràng: Trong thời gian tuyển sinh trực tuyến, các cơ sở giáo dục không được tự ý thu thêm các khoản đóng góp ngoài quy định. Mọi hoạt động tuyển sinh phải được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan và công bằng, hướng tới mục tiêu đảm bảo giáo dục toàn diện, chất lượng cho mọi học sinh.
Để đảm bảo quá trình đăng ký diễn ra thuận lợi, phụ huynh cần lưu ý:
- Mỗi học sinh sẽ có một mã tuyển sinh riêng biệt, được cấp bởi nhà trường nơi học sinh theo học năm học 2024-2025. Phụ huynh cần tuyệt đối bảo mật mã tuyển sinh và mật khẩu, đồng thời kiểm tra kỹ thông tin về kết quả học tập và nơi cư trú để đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và dữ liệu điện tử.
- Nếu cần trợ giúp trong quá trình đăng ký, phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường, hoặc tra cứu thông tin và số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ tại Cổng tuyển sinh đầu cấp TP. Hà Nội. Các nhà trường cũng đã bố trí bộ phận thường trực để hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc kịp thời.
- Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường lập danh sách học sinh dự tuyển theo địa bàn, phối hợp với công an cấp xã xác minh cư trú, tuyệt đối không yêu cầu phụ huynh nộp giấy xác nhận cư trú hay thông báo mã định danh.
Năm học 2025-2026, toàn thành phố dự kiến tuyển sinh quy mô lớn với 95.000 trẻ mầm non; 52.000 trẻ mẫu giáo (5 tuổi); 155.000 học sinh lớp 1 và 161.000 học sinh lớp 6. Với mục tiêu này, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị công nghệ và nhân sự, đảm bảo quá trình tuyển sinh diễn ra đúng tiến độ, an toàn và hiệu quả. Trong bối cảnh tổ chức hành chính mới bắt đầu vận hành, ngành Giáo dục Hà Nội đang nỗ lực, chủ động, trách nhiệm và cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa với phụ huynh với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Khởi tố vụ án lộ đề môn Toán, thí sinh dùng AI giải đề ngay trong phòng thi

Công an TP Hà Nội làm việc với thí sinh. Ảnh: Công an TP Hà Nội
Thông tin trên SK&ĐS, vào ngày 26/6/2025, khi thời gian làm bài thi môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa kết thúc (14h30 - 16h00), một phần đề thi môn này bất ngờ xuất hiện trên ứng dụng giải toán bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Thông tin này nhanh chóng lan truyền, khiến hàng triệu thí sinh và phụ huynh bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng sâu sắc về công tác bảo mật đề thi và tính công bằng của kỳ thi quan trọng bậc nhất.
Ngay lập tức, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã trao đổi thông tin và đề nghị Công an TP Hà Nội phối hợp điều tra. Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Hà Nội khẩn trương phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác tiến hành xác minh.
Qua điều tra ban đầu, lực lượng chức năng đã xác định được những hành vi gian lận táo tợn. Cụ thể, thí sinh N.V.K đã lén mang điện thoại di động vào phòng thi, chụp ảnh một phần đề thi môn Toán và đăng tải lên ứng dụng StudyX để giải đề. Thậm chí, N.V.K còn tiếp tục chụp và đăng tải đề thi môn Hóa học, Vật lý trong buổi thi ngày 27/6/2025.
Tương tự, thí sinh L.T.M.A cũng đã liều lĩnh mang điện thoại vào phòng thi để chụp ảnh đề thi môn Toán, môn Lịch sử, môn Tiếng Anh. Thí sinh này còn sử dụng ứng dụng AI Gemini trên điện thoại để giải đề. Hội đồng coi thi đã kịp thời phát hiện, lập biên bản vi phạm quy chế thi và đình chỉ thi đối với L.T.M.A.
Hiện vụ án đang được Công an TP Hà Nội khẩn trương điều tra mở rộng, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Thiếu nữ 15 tuổi ở Hà Nội mất tích bí ẩn từ ngày 24/6

Cháu Lưu Thị Quỳnh Thư. Ảnh: Công an TP Hà Nội.
Công an TP Hà Nội vừa phát thông báo tìm kiếm cháu Lưu Thị Quỳnh Thư (15 tuổi) mất tích từ ngày 24/6.
Theo đó, Công an xã Yên Lãng, TP Hà Nội đã tiếp nhận trình báo của gia đình về việc cháu Lưu Thị Quỳnh Thư (15 tuổi, trú tại thôn 4 Thạch Đà, huyện Mê Linh cũ, nay thuộc xã Yên Lãng, TP Hà Nội) rời khỏi nhà từ ngày 24/6 và đến nay vẫn chưa trở về.
Theo thông tin từ gia đình, sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm nhưng không có kết quả, người thân đã trình báo cơ quan chức năng và kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Công an xã Yên Lãng đề nghị ai phát hiện, biết thông tin hoặc đã nhìn thấy cháu Lưu Thị Quỳnh Thư, vui lòng liên hệ với gia đình qua số điện thoại 0398.945.135 hoặc Công an xã Yên Lãng qua số 0859.043.333.
Mọi sự chia sẻ, hỗ trợ từ cộng đồng sẽ giúp gia đình sớm tìm lại được cháu.