Đồng nghiệp quấy rối, hành khách dọa đánh

Một ngày bay liên tục 4 chuyến quốc nội, nữ tiếp viên hàng không tên N. (28 tuổi, sống ở Hà Nội) bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng. Khi chuyến bay cuối cùng chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, thì một cơn bão ập đến. Máy bay rung lắc mạnh, buộc chuyển hướng hạ cánh xuống một sân bay khác gần đó, chờ bão tan.

Khi máy bay đáp xuống thành công, nhiều hành khách vỗ tay vui mừng. Tuy nhiên, có người vì sợ hãi mà nổi cáu, đòi đánh phi hành đoàn vì "không hạ cánh tại Hà Nội như dự tính".

"Tôi nhớ mãi sự cố này, luôn cảm ơn phi công đã hạ cánh an toàn, bảo vệ tính mạng mọi người trên chuyến bay", N. nói. Hôm đó, cô kết thúc ngày làm việc "quá tải" vào 5 giờ chiều.

573628cd91058425008c2c4e-1679080379761-1679130233527-16791302337191051992826.jpg

Nhiều người cho rằng tiếp viên hàng không là nghề hào nhoáng, nhưng không hề biết những khó khăn đằng sau (Ảnh minh họa: Insider).

Điều tồi tệ nhất trong nghề với nữ tiếp viên tên C. (27 tuổi, sống tại TPHCM) không phải lịch trình bận rộn hay môi trường làm việc độc hại, mà là bị quấy rối tình dục bởi chính đồng nghiệp của mình.

Thời điểm đó, cô cảm thấy xấu hổ, nhưng vẫn gắng tỏ ra lịch sự. Sau khi thoát ra khỏi "bi kịch", cô nói "không được bảo vệ" do không có bằng chứng.

"Nhiều tiếp viên khác cũng thừa nhận từng bị xâm phạm thân thể hoặc quấy rối bằng lời nói khi làm việc", C. thuật lại, cho biết có người trong số họ đã làm lớn chuyện để đòi lại công bằng, nhưng sau cùng, "quyền lợi vẫn không thuộc về chúng tôi".

Việt Nam hiện chưa có số liệu thống kê, nhưng theo khảo sát của Hiệp hội Tiếp viên hàng không Mỹ năm 2018, 68% tiếp viên được hỏi chia sẻ họ từng bị quấy rối tình dục trong suốt sự nghiệp của mình.

Trong đó, 1/3 bị quấy rối bằng những lời lẽ khiếm nhã từ hành khách. 68% trong số này cho biết họ từng bị quấy rối bằng lời nói ba lần hoặc hơn, và 35% cho hay phải chịu đựng những lời lẽ quấy rối này ít nhất 5 lần.

C. cười chua chát mỗi khi có người nói "tiếp viên hàng không là nghề hào nhoáng, việc nhẹ lương cao", mà không biết rằng cô hay N. đã phải đánh đổi những gì.

Họ chấp nhận những khó khăn đặc thù của công việc, như đảo lộn giờ giấc sinh hoạt, không được nghỉ vào các dịp lễ Tết, hành khách lỗ mãng, ảnh hưởng sức khỏe,…

Nguy cơ từ việc xách hộ hàng từ nước ngoài về nước

N. và C. đến với nghề tiếp viên hàng không vì muốn được đi xa, ngắm nhìn thế giới. Để theo đuổi giấc mơ này, hai cô gái, tại hai hãng hàng không khác nhau, đều trải qua những tháng đào tạo khắc nghiệt tại học viện của hãng, gồm những bài học về an toàn bay, an ninh, sơ cấp cứu, quy trình khẩn nguy, sinh tồn, quy trình phục vụ, chăm sóc khách hàng, quy chuẩn về ngoại hình,...

Trong quá trình đào tạo, N. được học Personal security (an toàn an ninh cá nhân) về các biện pháp an ninh cho bản thân bao gồm bảo đảm cách ly và giám sát hành lý cá nhân tránh trường hợp người xấu lợi dụng sơ hở và bỏ các vật phẩm cấm vào vali như chất gây cháy nổ, vũ khí, chất gây nghiện,...

Cô cho hay, theo quy định của luật hàng không, nội quy của hãng và chương trình đào tạo, các tiếp viên không được nhận, cầm hộ đồ của người khác từ nước ngoài về Việt Nam.

Hàng năm, theo Chỉ thị của Cục hàng không Việt Nam, tiếp viên hàng không phải học và thi lại tất cả kiến thức, làm bài kiểm tra về an toàn an ninh hàng không để gia hạn chứng chỉ bay, cập nhật quy định và quy trình mới.

"Mỗi lần thi đều rất căng thẳng vì kiến thức nhiều và khó, nếu trượt bất kể môn học nào sẽ phải dừng bay và giảm thu nhập", cô cho biết. Áp lực học hành và thi cử cũng khiến C. mệt mỏi và căng thẳng.

Chuyến bay đầu tiên của N. bắt đầu từ năm 2020 nhưng đến nay số giờ bay khiêm tốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. C. cũng bước lên chuyến bay khởi đầu sự nghiệp vào mùng 2 Tết 2020, dần nhận ra đây không hẳn là con đường trải hoa hồng.

"Công việc nguy hiểm, không biết trước điều gì, thậm chí có thể vướng vòng lao lý", C. nói sự việc phát hiện 11kg ma túy trong hành lý 4 tiếp viên hàng không hôm 16/3 một lần nữa nhắc nhở cô tỉnh táo, cẩn trọng hơn trong nghề.

Trước đây, công ty của C. đã nghiêm cấm tiếp viên mua/bán hàng xách tay hay xách hộ hàng của người khác/ người quen từ nước ngoài về nước. Bản thân cô luôn tuân thủ quy định này, vì lo sợ vận chuyển nhầm hàng cấm, sẽ ảnh hưởng đến công việc và chính mình.

"Hãng thường xuyên cập nhật các trường hợp về an ninh an toàn hàng không đến tiếp viên. Trước mỗi chuyến bay, chúng tôi đều ôn lại các thông tin này với tổ bay. Hãng cũng thường xuyên nhắc nhở tiếp viên tự bảo đảm an ninh cho hành lý, thậm chí là việc mua hàng miễn thuế gần đây cũng bị hạn chế", N. cho biết.

Ngày 16/3, tại ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) nghi vấn hành lý của 4 nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines về từ Pháp chứa ma túy.

Các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện bên trong những túyp kem đánh răng, nước súc miệng các tiếp viên mang về có hơn 8kg thuốc lắc và hơn 3kg ketamine (ma túy khay, loại đắt tiền nhất), cocain.

Các tiếp viên tỏ ra sửng sốt, bật khóc khi biết có ma túy trong hành lý. Họ khai rằng khi ở Pháp đã được một người (chưa xác định danh tính) nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" và trả công hơn 10 triệu đồng.

Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, các tiếp viên chỉ xem qua loa vài túyp kem, không thấy có gì bất thường.

Khi ra sân bay của Pháp để về Việt Nam, lực lượng chức năng nước sở tại không phát hiện trong hành lý của họ có ma túy, cho đến khi về đến Tân Sơn Nhất.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022