Những ngày qua, thông tin về hàng trăm cảnh sát thuộc lực lượng của Cục Cảnh sát Hình sự (C02) Bộ Công an, Công an TP.HCM, Công an Q.Gò Vấp và các đơn vị nghiệp vụ thực hiện khám xét văn phòng của Công ty Cổ phần kinh doanh F88 (viết tắt Công ty F88) tại tầng 7, tầng 8 tòa nhà cho thuê trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) khiến dư luận khá quan tâm.
Không chỉ khám xét tại tầng 7, tầng 8 của tòa nhà cho thuê nói trên, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của Công ty F88 trên địa bàn TP.HCM cũng bị phong tỏa, khám xét để phục vụ công tác điều tra về các dấu hiệu vi phạm.
Công ty F88 chuyên cho vay, có hàng trăm nhân viên thu hồi nợ. Công ty này có hơn 80 chi nhánh và phòng giao dịch được đặt hầu hết ở các quận, huyện, TP.Thủ Đức (TP.HCM). Các địa điểm này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tài chính cho vay, cầm đồ...
Nhiều Chi nhánh của hệ thống Công ty F88 tại TPHCM bị khám xét
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam khá lớn và có nhiều tiềm năng cho hoạt động cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiêu dùng, cầm cố tài sản luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất dễ nảy sinh các hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với hoạt động kinh doanh tài chính theo hình thức cho vay tín chấp và cho vay bằng biện pháp cầm cố tài sản thì F88 là doanh nghiệp hoạt động quy với mô lớn, phạm vi rộng và tạo ra được sức ảnh hưởng lớn trên thị trường thời gian qua. Trong khi các cửa hiệu cầm đồ nhỏ lẻ thường thuê trụ sở, cửa hàng trong các ngõ, ngách thì F88 lại chiếm những vị trí thuận lợi ở các trung tâm thành phố lớn, trở thành một chuỗi cửa hàng cầm đồ ở mặt phố hoạt động với quảng cáo rầm rộ.
Điều đáng chú ý là việc đòi nợ của công ty này có rất nhiều vấn đề, có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi nhiều trường hợp người vay tiền phản ánh là bị đe dọa, uy hiếp tinh thần để buộc trả nợ. Ngoài ra, lãi suất cho vay cũng bị nhiều người phản ánh là vượt quá mức nhà nước quy định. Thêm vào đó là nhiều khoản phí, tiền phạt vô lý dẫn đến nhiều người vay tiền phải điêu đứng.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hoạt động tài chính của công ty này được thực hiện như thế nào, đặc biệt là việc huy động vốn và cho vay, thu hồi nợ có tuân thủ quy định của pháp luật hay không. Theo quy định của pháp luật thì vay tiền và cho vay tiền là quan hệ dân sự, là hợp đồng vay tài sản, việc vay nợ phải tuân thủ các quy định pháp luật về dân sự liên quan đến hợp đồng vay tài sản. Căn cứ Điều 463 (Bộ luật Dân sự 2015) thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Điều 468 (Bộ luật Dân sự 2015) cũng quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% của mức lãi suất 20%/năm tại thời điểm trả nợ.
Trường hợp cho vay lãi suất vượt quá năm lần mức lãi suất nhà nước quy định và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi cho vay này có thể bị xử lý hình sự về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo quy định tại Điều 201 (BLHS 2015).
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy doanh nghiệp này đã cho vay với mức lãi suất vượt quá năm lần mức lãi suất nhà nước quy định và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý đối với người vi phạm về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Ngoài ra, hành vi đòi nợ không đúng pháp luật, đe dọa, uy hiếp tinh thần của con nợ cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Cưỡng đoạt tài sản; làm nhục người khác hoặc tội đưa thông tin trái phép trên mạng internet" tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, pháp luật Việt Nam hiện nay cấm kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ
Pháp luật quy định khi đến hạn trả nợ thì bên vay phải trả đầy đủ tiền nợ gốc và tiền nợ lãi theo thỏa thuận. Nếu bên vay không trả nợ đúng hạn thì bên cho vay có quyền đòi nợ, xử lý tài sản đảm bảo để thanh toán nghĩa vụ trả nợ, có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Đối với hoạt động đòi nợ thì phải tuân thủ quy định của pháp luật, không được sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để đòi nợ, nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người nợ tiền để đòi nợ. Hành vi đòi nợ trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả cụ thể.
Pháp luật Việt Nam hiện nay đã cấm kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ. Còn đối với các khoản nợ của tổ chức, cá nhân tự mình đòi nợ thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được lợi dụng việc đòi nợ để xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người nợ tiền để đòi nợ.
Hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người vay tiền để đòi nợ hoặc đe dọa uy hiếp đến tính mạng sức khỏe của bản thân họ và gia đình là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật này có thể bị xử lý về tội "Đưa tin trái phép trên mạng internet" hoặc tội "Làm nhục người khác" nếu hành vi dẫn đến nạn nhân sợ hãi buộc phải trả nợ thì sẽ bị xử lý về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Bởi vậy, đòi nợ theo kiểu đe dọa uy hiếp tinh thần của con nợ là kiểu đòi nợ nguy hiểm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nạn nhân cần lưu trữ các thông tin tài liệu liên quan đến hành vi này để trình báo với cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định.
"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp này được đăng ký và tổ chức thực hiện như thế nào. Quá trình thực hiện kinh doanh có kê khai và nộp thuế đầy đủ cho nhà nước hay không. Có kinh doanh đúng với giấy đăng ký kinh doanh và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với nhà nước hay không. Nếu hoạt động kinh doanh này có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội, xác định vai trò của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định của pháp luật", Tiến sĩ Cường phân tích.
Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất154 quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên155, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
...........