Những năm sinh nào phải làm lại CCCD để thực hiện giao dịch ngân hàng?
Từ ngày 1/1/2025, hàng loạt ngân đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu khách hàng phải cập nhật đầy đủ thông tin giấy tờ và xác thực sinh trắc học để có thể tiếp tục giao dịch.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 16 Thông tư 18/2024/TT-NHNN thì thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ.
Điểm mới về thẻ căn cước công dân năm 2025, nhiều quy định thay đổi người dân nên biếtĐỌC NGAY
Đồng thời, tạm dừng giao dịch thẻ với các trường hợp giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng hết hiệu lực (căn cứ tại Điểm q Khoản 1 Điều 17 Thông tư 18/2024/TT-NHNN).
Theo quy định nêu trên chủ tài khoản trong trường hợp giấy tờ tùy thân hết hiệu lực nhưng chưa được cập nhật, bổ sung với ngân hàng thì sẽ bị tạm dừng giao dịch.
Theo Khoản 5 Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN việc sử dụng tài khoản thanh toán của chủ tài khoản phải đảm bảo nguyên tắc như sau:
- Phạm vi sử dụng và hạn mức giao dịch phù hợp với quy định về quản lý rủi ro và thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
- Có đủ thông tin cần thiết để kiểm tra, đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.
- Chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản.
Tại Điều 21 Luật Căn cước 2023 quy định về độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước như sau:
Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại Khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.
Thẻ căn cước của công dân được xem là hết hiệu lực khi công dân đã được cấp thẻ căn cước nhưng đến độ tuổi phải thực hiện cấp đổi nhưng không thực hiện việc cấp đổi thì thẻ căn cước đó bị hết hiệu lực.
Độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước được quy định khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi cấp đổi có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi tiếp theo.
Do đó, năm 2025 các đối tượng có độ tuổi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi phải làm thủ tục cấp đổi thẻ căn cước gồm các đối tượng có năm sinh: 2011; 2000; 1985; 1965.
Bên cạnh đó, căn cứ tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 18/2024/TT-NHNN thì cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng bao gồm:
- Người từ đủ 15 tuổi trở lên không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định.
- Người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện.
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
Như vậy, kể từ năm 2025 những năm sinh bao gồm: năm sinh 2000; 1985; 1965 có thể bị ngừng giao dịch ngân hàng nếu không làm lại thẻ căn cước công dân thuộc trường hợp phải cấp đổi thẻ căn cước do thuộc độ tuổi phải cấp đổi thẻ căn cước.
Từ năm 2025, người dân giao dịch ngân hàng phải sinh trắc học. Ảnh minh họa: TL
Các bước tiến hành cấp đổi CCCD người dân có thể tham khảo
Dưới đây là các bước tiến hành cấp đổi CCCD:
Bước 1: Đề nghị cấp đổi thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc bộ phận một của cấp huyện.
Bước 2: Công dân cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Bước 3: Cán bộ thu nhận tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp đổi thẻ căn cước.
Bước 4: Tiến hành thu nhận vân tay, chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận ảnh mống mắt của công dân từ đủ 6 tuổi trở lên.
Bước 5: In Phiếu thu nhận thông tin căn cước cho công dân hoặc người đại diện của người dưới 14 tuổi kiểm tra, ký xác nhận.
Bước 6: Thu thẻ căn cước cũ, thu lệ phí (nếu có) và cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục về căn cước cho công dân (mẫu CC02 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2024/TT-BCA ngày 15/5/2024 của Bộ Công an).
Bước 7: Nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc trả qua dịch vụ bưu chính đến địa chỉ theo yêu cầu.