Đám cưới này mô tả chi tiết hai nghi lễ cuối trong số sáu lễ của một lễ cưới công chúa nhà Nguyễn thời đó là lễ Điện nhạn và lễ Thân nghinh.
Thời nhà Nguyễn, khi Công chúa đến 16 tuổi, vua sai Bộ Lại, Bộ Binh lập danh sách con cháu và chắt các công thần hạng nhất, tiếp đến nhị phẩm để lựa chọn. Chọn được phò mã rồi, vua mới cử một người làm chủ hôn, một đại thần làm chiếu liệu đứng ra lo việc đám cưới. Lễ cưới công chúa gồm có sáu lễ, cứ mỗi ngày cử hành hai lễ.
Ngày thứ nhất gồm có lễ Nạp thái (lễ hỏi) và Lễ Vấn danh (hỏi tên tuổi). Ngày thứ hai gồm lễ Nạp trưng (báo ngày cưới), lễ Nạp cát (báo tin đôi tuổi đều tốt). Ngày thứ ba là ngày quan trọng nhất gồm lễ Điện nhạn (nộp chim nhạn, nộp lễ để rước dâu) và lễ Thân nghinh (rước dâu). Lễ vật trong lễ Điện nhạn gồm hai hộp chỉ ngũ sắc, một trăm đồng tiền, hai con ngỗng nhốt trong hai cái lồng đều có dây đỏ buộc liền nhau chỉ sự thuỷ chung. Còn một trăm đồng và hộp chỉ ngũ sắc tượng trưng cho sự giàu sang thịnh vượng con đàn, cháu đống.
Sau khi kiểm soát lễ vật đã đầy đủ; Quan Chiếu liệu sẽ xin vào nạp lễ. Phò mã vào lạy 5 lạy rồi nhà trai kéo đến túc trực trước nơi ở của công chúa để chờ giờ rước dâu. Ở đó, tấp nập người ra vào chờ giây phút đại hỷ. Đúng giờ, Công chúa được phò ra, đưa lên kiệu.
Đoàn rước thắp sáng cả một góc Hoàng Cung.
Phò mã và Công chúa trước giờ ra kiệu về phủ đệ mới.
Cung nữ phụ Công chúa mặc áo trước giờ rước dâu.
Cung nữ giúp Công chúa đội mũ phượng và trang điểm.
Sau khi khoác lên mình trang phục ngày cưới và trang điểm, Công chúa đẹp lộng lẫy.
Trang phục của Công chúa mặc khi rước dâu là bộ áo bào bằng bát ty màu đỏ, thêu hoa tròn và chim phượng.
Quan chủ hôn là người được vua cử ra lo liệu đám cưới cho công chúa.
Theo thứ tự đoàn rước Phò mã sẽ là người cưỡi ngựa đi trước dẫn đường, kế đến là quan Chủ hôn, rồi đến kiệu của Công chúa.
Các thị nữ mặc áo mã tiên, hai người cầm cành thiên tuế, số khác cầm đèn lồng dẫn đầu đoàn rước.
Các thị nữ múa hát chúc mừng.
Đội múa lân nhảy múa vui mừng suốt dọc đường rước dâu.
Tiến Long