Sáng 28/1 (tức mùng 7 tháng Giêng) chính quyền địa phương và hàng ngàn người dân xã Phú Gia long trọng tổ chức lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi hay còn gọi là lễ hội Hàm Nghi - Sơn Phòng.
Đây là lễ hội có lịch sử hàng trăm năm nay mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông, ghi nhớ công lao to lớn của vị vua yêu nước Hàm Nghi. Lễ rước sắc phong ở Phú Gia nhằm tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc tới công lao to lớn của vua Hàm Nghi và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.
Trước khi rước bảo vật, buổi lễ được thực hiện từ việc bàn giao báu vật của vua Hàm Nghi ban (gồm: Voi bằng vàng, nghê bằng đồng, các thanh bảo kiếm, lục lạc bằng đồng đen, 48 đạo sắc phong do các triều vua ban tặng) cho gia đình tân cố đạo chủ Phan Hùng Vỹ.
Cố đạo chủ được giao nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản báu vật vua ban là những vị cao niên trong xã, được xét trên nhiều mặt gồm đạo đức, năng lực thờ phụng, kiến thức văn hóa dân tộc, lựa chọn qua bỏ phiếu và xin quẻ sấp ngửa trước bàn thờ vua vào ngày rằm tháng Chạp...
Cố đạo chủ có trách nhiệm phục vụ nhân dân tế lễ trong một năm và trông coi, bảo quản báu vật vua Hàm Nghi. Thông thường mỗi năm bầu lên một cố đạo chủ mới, cũng có trường hợp do được tín nhiệm, một người được giữ chức cố đạo chủ trong 2 năm liền.
Được biết, những người được chọn làm cố đạo chủ, trông coi báu vật vua Hàm Nghi phải song thọ cả ông, bà và có đạo đức, am hiểu tế tự. Đặc biệt phải được thần linh “ủy thác”, dân làng tín nhiệm.
Việc bàn giao bảo vật này được chính quyền địa phương và người dân đứng kiểm tra và giám sát.
Người dân còn chuẩn bị hương hoa, bánh kẹo, rượu trà dọc đường để đoàn rước dùng lúc dừng chân nghỉ.
Tại lễ rước, các thanh niên trai tráng chưa vợ được chọn lựa từ các thôn trong xã làm trai kiệu, 8 người khiêng 1 kiệu. Có 3 kiệu tham gia tại lễ rước; kiệu đi đầu rước ảnh vua Hàm Nghi, kiệu kế tiếp rước sắc Đức Đại Vương, kiệu cuối cùng rước Đức thánh mẫu và Mã Hồng Công chúa.
Sau lễ khai hạ, đoàn rước tiếp tục rước kiệu, sắc phong về đặt trang trọng tại nhà cố đạo chủ mới, còn kiệu rước ảnh vua Hàm Nghi được rước về đền thờ vua Hàm Nghi. Quãng đường rước kéo dài khoảng 5-6km.
Về đến nhà tân cố đạo chủ, báu vật và sắc phong sẽ được rước từ kiệu xuống và cho vào két sắt, tủ để cất giữ. Di ảnh vua Hàm Nghi được đặt vào giữa nhà để gia chủ thờ kính. Cố đạo chủ được giao nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản báu vật trong mỗi năm là những vị cao niên trong xã.