Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Nam Anh).
Trong đó, thí sinh lưu ý một số mốc thời gian quan trọng: Chậm nhất 17h ngày 31/5, rà soát kết quả điểm học tập cấp THPT trên hệ thống.
Chậm nhất ngày 15/6, cập nhật thông tin của cơ sở đào tạo vào hệ thống.
Đến hết ngày 30/6, tập huấn công tác tuyển sinh tại các địa phương. Chậm nhất đến ngày 25/7, thực hành việc đăng ký điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống…
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo cập nhật kết quả sơ tuyển, kết quả kỳ thi độc lập, bổ trợ, đánh giá năng lực…, trước 17h ngày 5/8.
Một số mốc thời gian xét tuyển đại học và xét tuyển cao đẳng ngành giáo dục mầm non 2024:
Năm 2024, quy chế tuyển sinh giữ ổn định so với năm trước. Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong Quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước.
Giải đáp thắc mắc của thí sinh trong công tác xét tuyển, trước đó PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thí sinh chỉ cần quan tâm tới một nguyên tắc: ngành nào thích nhất đặt lên trước.
Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau. Nếu các ngành thí sinh thích không đủ điều kiện trúng tuyển, hệ thống sẽ vẫn xét đến ngành các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm (theo quy định của các trường).
Việc xét tuyển sớm phụ thuộc các trường đại học. Tuy nhiên theo quy định của Bộ GD&ĐT, các thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của các trường, vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký mới hợp lệ.
Hệ thống này sẽ chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Vì thế trên hệ thống này, thí sinh cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
Về việc đăng ký nguyện vọng, theo bà Thủy, thí sinh sẽ chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường mà không cần đăng ký nguyện vọng theo phương thức, tổ hợp xét tuyển. Hệ thống của Bộ sẽ tự động chọn phương thức và tổ hợp nào tối ưu nhất, có lợi nhất cho thí sinh.
Tuy nhiên, thí sinh cần nhớ, phải cập nhật lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT tất cả những dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GD&ĐT ban hành.