Mùa thi học kỳ, trẻ học như công nhân tăng ca

Hai tuần nay, chị Nguyễn Nguyệt Anh đều đặn ngồi học cùng con. Mỗi tối, con trai chị có 1 phiếu toán, 1 phiếu tiếng Việt và 1 phiếu tiếng Anh. Mỗi phiếu có từ 15-25 câu hỏi. Ngoài ra còn 3 trang đề cương môn tự nhiên và xã hội cần hoàn thành và học thuộc.

Để giải quyết hết các phiếu bài tập này, con chị cần trung bình 2 tiếng đồng hồ. Những ngày không tập trung, giờ học tại nhà kéo dài 3 tiếng.

Chị Nguyệt Anh không cho con học thêm. Chương trình lớp 3 tương đối dễ, chị và chồng phân công nhau đọc sách giáo khoa để nắm nội dung và hướng dẫn con làm bài tập về nhà.

Tuy nhiên, mỗi đợt thi học kỳ, chị Nguyệt Anh thấy căng thẳng vì khối lượng bài tập nhiều.

"Mùa thi học kỳ, trẻ học như công nhân tăng ca. Ngày 6-7 tiếng ở trường, tối 2 tiếng ở nhà. Nhiều bài tiếng Việt tôi không biết hướng dẫn con thế nào, đành lên mạng tham khảo và đọc cho con chép. Nên tôi hiểu vì sao phần đông các gia đình cho con đi học thêm từ lớp 1", chị Nguyệt Anh tâm sự.

Phải làm nhiều bài tập, trẻ làm bài với tâm lý làm cho xong để còn chơi. Kết quả là những phiếu bài tập "cười ra nước mắt" ra đời. Chị Phạm Ngọc Yến (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ tờ phiếu bài tập tiếng Việt "bất ổn" của con trai.

bai-van-1703755909754-1703769057239-1703769057559654046111.jpeg

Bài tập "bất ổn" của con trai chị Phạm Ngọc Yến (Ảnh: NVCC).

Với nhiệm vụ đặt câu có sử dụng biện pháp so sánh, con trai chị viết: "Con gà gáy to như con lợn", "Tivi to như con trâu", "Con trâu khỏe như Sơn Hanma (một nhân vật nổi tiếng trên TikTok)", "Bạn em cao như cửa sổ" hay "Cây đào đẹp như con mèo"...

Không riêng chị Yến, nhiều phụ huynh cũng đau đầu với sự "bất ổn" của các con trong mùa thi học kỳ.

Chị Phạm Thị Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể câu chuyện của con mình: "Thấy con làm bài tập tiếng Việt với những câu so sánh ngô nghê, tôi yêu cầu con làm lại.

Tôi hướng dẫn con quan sát xung quanh, cho con xem hình ảnh con vật, cây cối cần so sánh rồi động viên con tưởng tượng. Con viết: "Con trâu nặng như cái đàn piano". Tôi bảo con suy nghĩ thêm xem, con nói: "Cả ngày phải nghĩ con mệt lắm rồi"".

Cha mẹ đừng truyền nỗi ám ảnh thi cử sang con

Cô N.M.V., giáo viên tiểu học tại Hà Nội, cho biết, áp lực thi cử với học sinh tiểu học thực chất đến từ giáo viên và cha mẹ. Con trẻ hầu như không biết đến áp lực này cho tới khi bị thúc ép.

"Tôi từng góp ý với đồng nghiệp và cha mẹ rằng, không nên dùng từ "thi học kỳ" nữa mà gọi đúng là "đánh giá cuối kỳ". Cùng bản chất nhưng cách gọi khác nhau mang lại tâm lý khác nhau với các con và với chính chúng ta", cô V. nêu.

Theo cô V., người Việt rất trọng khoa cử, nên nghe chữ "thi" sẽ thấy nghiêm trọng. Nhiều cha mẹ không để ý tới việc học hàng ngày của con, nhưng khi giáo viên thông báo thi học kỳ là sốt sắng thúc ép. Cha mẹ cho con học thêm, thuê gia sư, hay kèm con tích cực vào đợt ôn thi học kỳ khiến trẻ bị áp lực và phản ứng với các phiếu bài tập.

z4839701902723614c29e02799e48156d9dc06f95ed229-crop-1699677120844-1703769058166-1703769058477197440002.jpeg

Học sinh làm bài tập về nhà (Ảnh: Hoàng Hồng)

Do đó, cô V. cho rằng cha mẹ hãy xem các phiếu bài tập mùa thi cũng như các phiếu bài tập thường ngày.

"Tôi khẳng định các phiếu ôn tập không nặng hơn về kiến thức. Việc giáo viên giao bài tập nhiều hơn vào đợt ôn tập cũng không phổ biến. Chỉ cần phụ huynh duy trì nhịp độ và thói quen tự học của con mỗi tối là có thể yên tâm về kết quả đánh giá giữa kỳ", cô V. chia sẻ.

Cùng quan điểm, cô N.T.H, giáo viên ngữ văn về hưu, cho rằng tâm lý thi cử và áp lực điểm số của cha mẹ khiến mùa thi học kỳ trở nên căng thẳng.

"Có hiện tượng cha mẹ cho con học kiểu "no dồn đói góp", đến đợt ôn tập thi học kỳ mới chịu học. Nhiều kiến thức chưa nắm chắc bị dồn lại, tạo cảm giác việc học tập, thi cử nặng nề", cô H. cho hay.

Về số lượng phiếu bài tập về nhà mỗi mùa thi, cô H. cho rằng mức độ 1 phiếu/môn học là phù hợp.

Cô H. cũng nêu quan điểm: "Quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh không hoàn toàn phù hợp với thực tế. Với những lớp học có tới 50-60 em, việc giao bài tập là cần thiết vì ba lý do: giúp các em ghi nhớ kiến thức tốt hơn, giúp các em rèn kỹ năng thành thạo hơn, giúp bố mẹ nắm được nội dung học tập trên lớp để hỗ trợ con, giúp hạn chế việc học thêm.

Một ngày học sinh có 6-7 tiếng ở trường, nhưng thời lượng chia nhỏ cho nhiều nội dung học tập và rèn luyện khác nhau. Với mỗi nội dung, giáo viên chỉ có 1-2 tiết hướng dẫn cho trẻ. Không giáo viên nào có thể rèn được cùng lúc cả 50-60 học sinh với thời lượng hạn chế đó.

Do vậy, phiếu bài tập về nhà là cần thiết cho mục đích giáo dục. Nếu phụ huynh dành thời gian hỗ trợ con học bài tại nhà, phiếu bài tập chính là cẩm nang để con trẻ không phải đi học thêm. Vì chỉ cần hoàn thành tốt các phiếu này, các em đã nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản".

avatar1703669807753-1703669808207771891132.jpgXác minh vụ thầy giáo đánh học sinh chảy máu mũi

Cơ quan chức năng tại Đắk Lắk đang vào cuộc để xử lý vụ việc thầy giáo Thể dục đánh một nam sinh chảy máu mũi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022