Nằm ẩn mình bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, cách trung tâm Hà Nội về phía Tây khoảng 12km là một ngôi đình uy nghi cổ kính, có niên đại hơn 2.000 năm lịch sử. Ngôi đình mà chúng tôi nhắc đến là đình Chèm thuộc làng Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nơi đây được coi là một trong số ít những ngôi đình cổ nhất Việt Nam.
Từ ngàn năm nay, đình Chèm vẫn được biết đến là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm. Đình Chèm,... đình thờ Đức Thánh Chèm (hay còn gọi đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng). Tương truyền Đức Thánh Chèm sinh vào thời Hùng Duệ Vương, mất vào thời Thục An Dương Vương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Nghi môn ngoại là kiểu nghi môn trụ với bốn cột xây cao to, gần đỉnh trụ đắp hình lồng đèn, đỉnh trụ, thân trụ được trang trí tứ linh, tứ quý và đắp các câu đối chữ Hán ca ngợi Đức Thánh Lý Ông Trọng.
Nghi môn nội (hay còn gọi Tàu tượng), một nếp nhà bốn mái, ba gian, hai chái, mái lợp ngói mũi hài, các góc uốn cong tạo thành những đầu đao đắp nổi hình đầu rồng. Nghi môn nội mở 3 cửa lớn có cánh gỗ. Đây là nơi đặt tượng ông quản tượng, voi chiến và ngựa chiến của Đức Thánh. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình 8 mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.
Khu vực chính của đình Chèm gồm tòa tiền tế và tòa đại bái, hai tòa nhà này có kết cấu giống nhau và nối với nhau bằng hệ thống xà nách đỡ máng đồng. Mỗi dãy nhà gồm 5 gian, hai chái theo kiểu nhà 4 mái. Nội thất có 6 hàng chân cột gỗ đỡ mái, các cột đều được đặt trên chân tảng đá xanh. Trên các bộ vì ngắn, các bức cốn chạm hình rồng mây, rồng cuốn thủy, cá hóa rồng, tứ linh với những đường nét chạm mềm mại, trau chuốt, mang đậm phong cách nghệ thuật cuối thời Lê – thế kỷ thứ XVIII. Bên trong có nơi bài trí hương án và các đồ tế khí quan trọng của đình Chèm, đồng thời cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng hằng năm cũng như trong dịp lễ hội.
Hậu cung đình xây liền với nhà đại bái bằng một nhà cầu nhỏ tại gian giữa, khu hậu cung gồm 3 dãy nhà nối liền nhau tạo thành kết cấu kiến trúc kiểu chữ “Công”. Nhà ngoài và nhà trong nằm song song với nhau bằng nhà ống muống ở gian giữa. Nơi đây tôn nghiêm nhất tại đình Chèm, đặt long ngai và tượng thờ của Đức Ông, Đức Bà cao khoảng 3,2m, hai bên là tượng 6 người con của Đức Thánh, còn gọi Lục vị vương.
Theo các cao nhân tại đình Chèm cho biết, đến nay đình Chèm còn lưu giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn phong thần cho ngài Lý Ông Trọng, 4 tấm bia đá, trong đó có 1 tấm thời Lê Cảnh Hưng và 3 tấm thời Nguyễn, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi câu đối, 2 chuông đồng đúc thời Nguyễn. Đặc biệt là hệ thống máng đồng là di vật độc đáo, hiếm có ở các di tích khác, có niên đại thời Lê, Tây Sơn và Nguyễn.
Các công trình kiến trúc của đình Chèm được kết cấu bền chắc và bố trí hài hòa trong một tổng thể không gian rộng lớn. Những nếp nhà được làm đăng đối theo trục hoàng đạo Đông Bắc – Tây Nam. Xung quanh những công trình kiến trúc với những cây cổ thụ cành lá sum suê, góp phần tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm cho ngôi đình thiêng hơn 2.000 năm tuổi.
Cổng đình được thiết kế phong cách cổ, 2 cánh cửa có bánh xe bằng gỗ, trên những khung cửa đều được chạm khắc tinh xảo.
Ngôi đình được xây dựng ngay ven bờ sông Hồng.
Để tri ân công đức của Đức Thánh, hằng năm cứ vào dịp rằm tháng 5 âm lịch nhân dân ba làng gồm: làng Chèm (phường Thụy Phương), làng Hoàng và làng Mạc (phường Liên Mạc) cùng nhau tổ chức lễ hội truyền thống.
Với những giá trị tiêu biểu, đình Chèm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990 và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tràn lan thông tin Đào, phở và piano chiếu đồng giá tại rạp CGV, Lotte, thực hư ra sao