Chị H.B.H (35 tuổi, đang sinh sống tại Đống Đa - Hà Nội) chia sẻ với Báo Sức khỏe & Đời sống: "Tôi có con nhỏ 2 tuổi đang theo học tại một trường tư trên địa bàn thành phố Hà Nội, đọc được các vụ việc trên, đặt bản thân trong hoàn cảnh đó tôi nghĩ mình cũng không tránh khỏi hoang mang, sợ hãi. Bởi tâm lý lo âu khi con cái không ở trong tầm quan sát là không thể tránh".

Đối tượng lừa đảo đã rất tinh vi khi xây dựng kịch bản, lựa chọn thời gian thực hiện cuộc gọi vào giờ học sinh đang ở trường nhằm đánh vào tâm lý lo lắng, hoảng loạn của các bậc làm cha làm mẹ.

Nhận định các vụ việc dưới góc độ tâm lý học , theo PGS.TS Trần Thu Hương, Trưởng Bộ môn Tâm lý học Lâm sàng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, tâm trạng lo lắng luôn hiện hữu trong đời sống của các bậc làm cha mẹ, nên khi nghe tin con mình gặp vấn đề hầu hết các phụ huynh sẽ phản ứng theo cách ngay lập tức phải làm sao để cho con mình được an toàn.

base64-16784208765981156402043-1678425230295-16784252316261191995046.png

PGS.TS Trần Thu Hương, Trưởng Bộ môn Tâm lý học Lâm sàng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Do đó cha mẹ không thể đủ bình tĩnh để suy xét và thực hiện một hành động đơn giản là gọi điện cho nhà trường, bệnh viện để xác minh rõ sự việc, và họ ngay lập tức sẽ chuyển tiền, sau đó mới đi đến bệnh viện để xem tình trạng hiện nay của con mình. Chuỗi các hành động trên thể hiện sự lo âu cực kỳ lớn, dựa trên những vấn đề về sang chấn và biến cố.

"Hầu hết các vụ việc trên xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh, trong khi tại Hà Nội chưa ghi nhận nhiều. Chúng ta nhận thấy rằng TP. Hồ Chí Minh vừa trải qua một giai đoạn rất đau thương, có nhiều sự mất mát do dịch COVID-19. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động tâm lý khiến người dân trở lên căng thẳng nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn. Mức độ lo lắng đấy vượt lên trên cái sự suy xét, khiến cho nhiều người không đủ năng lực để xem xét tất cả mọi thứ dẫn đến phản ứng theo cảm xúc nhiều hơn lý trí"- PGS.TS Trần Thu Hương nói.

Ngoài ra, phân tích các cuộc gọi với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dễ thấy các đối tượng thường nói một cách gấp rút, đẩy tính nghiêm trọng, khẩn cấp của sự việc lên đỉnh điểm. Liệu có hay không dấu hiệu của "bẫy thao túng tâm lý"?

Về khía cạnh trên, PGS.TS Trần Thu Hương bày tỏ quan điểm: "Cường độ giọng nói trong của các cuộc gọi lừa đảo đẩy phụ huynh gần như ở trong một tình trạng có thể mô tả khá giống như là bị thôi miên, người nghe không còn có đủ khả năng để nhận thức một cách rõ ràng và chính xác vấn đề đang xảy ra. Vậy nên, theo tôi sẽ có một phần dấu hiệu của thao túng tâm lý ở sâu bên trong các sự việc trên, khiến cho người dân rơi vào tình trạng bị động, không thể xoay sở kịp".

Đối phó với những kẻ lừa đảo núp sau các cuộc gọi, chuyên gia tâm lý cũng khuyên các bậc phụ huynh hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc để nhận biết và bình tĩnh để có phương thức ứng phó ngược lại.

Những sự việc trên liên quan trực tiếp đến an nguy của người thân, người dân cần xác minh một cách rõ ràng. Ngoài ra, các hoạt động tại bệnh viện hay trường học luôn diễn ra theo một quy trình cụ thể do đó người dân cũng cần chủ động tìm hiểu, kịp thời phát hiện dấu hiệu của hành vi lừa đảo.

Thực tế việc giả danh người của các cơ quan như tòa án, công an hay nhân viên ngân hàng… để thực hiện cuộc gọi lừa đảo đã không còn xa lạ. Cùng với đó vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong quá trình giao dịch hay ngay cả khi giao tiếp qua mạng xã hội còn nhiều lỗ hổng.

Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác khi tiếp nhận các cuộc gọi lạ, không xác định, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo từ các cơ quan chức năng để chủ động bảo vệ bản thân.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022